Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
27/04/2022 16:33 PM

Điều tra viên giữ vị trí và vai trò quan trọng trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Vậy Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên được quy định như thế nào?

Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên

Điều tra viên là ai? Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên (Ảnh minh họa)

1. Điều tra viên là ai?

Theo quy định tại Điều 45 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015: Điều tra viên là người được bổ nhiệm để làm nhiệm vụ Điều tra hình sự trong các vụ án.

Điều tra viên gồm có các ngạch sau đây:

- Thứ nhất: Điều tra viên sơ cấp.

- Thứ hai: Điều tra viên trung cấp.

- Thứ ba: Điều tra viên cao cấp.

2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên

2.1. Tiêu chuẩn chung

- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên.

- Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

- Đã được đào tạo về nghiệp vụ Điều tra.

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(Điều 46 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

2.2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp

Người có đủ tiêu chuẩn chung, là sĩ quan Công an nhân dân tại ngũ, sĩ quan Quân đội nhân dân tại ngũ, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên sơ cấp:

- Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;

- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên sơ cấp.

(Điều 47 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

2.3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên trung cấp

Người có đủ tiêu chuẩn chung và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp:

- Đã là Điều tra viên sơ cấp ít nhất là 05 năm;

- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

- Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên trung cấp.

Trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn chung, các điểm b, c và d khoản 1 Điều 48 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 09 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên trung cấp.

(Điều 48 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

2.4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Điều tra viên cao cấp

Người có đủ tiêu chuẩn chung và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp:

- Đã là Điều tra viên trung cấp ít nhất 05 năm;

- Có năng lực Điều tra các vụ án thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;

- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp phòng, chống tội phạm;

- Có khả năng hướng dẫn các hoạt động Điều tra của Điều tra viên sơ cấp, Điều tra viên trung cấp;

- Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên cao cấp.

Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Cơ quan Điều tra, người có đủ tiêu chuẩn chung, các điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 49 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 14 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm làm Điều tra viên cao cấp.

(Điều 49 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên

3.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên

Căn cứ theo Điều 53 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của Điều tra viên như sau:

- Được tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và các hoạt động Điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự khi được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Điều tra vụ án hình sự. Cụ thể: 

+ Trực tiếp kiểm tra, xác minh và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;

+ Lập hồ sơ vụ án hình sự;

+ Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;

+ Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;

+ Quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;

+ Thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng;

+ Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;

+ Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

3.2. Trách nhiệm của Điều tra viên

Căn cứ theo khoản 3 Điều 53 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, trách nhiệm của Điều tra viên được quy định như sau:

- Áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan để Điều tra, xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ;

- Tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra;

- Từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định;

- Chấp hành quy định của pháp luật về những việc cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

Đồng thời, Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra về hành vi, quyết định của mình.

4. Những việc Điều tra viên không được làm

Căn cứ theo Điều 54 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định những việc Điều tra viên không được làm như sau:

- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

- Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.

- Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.

- Đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

Xuân Thảo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 42,932

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn