Dấu giáp lai là gì? Hướng dẫn đóng dấu giáp lai, đóng dấu chữ ký

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
19/09/2022 09:44 AM

Dấu giáp lai là gì? Đóng dấu giáp lai, đóng dấu chữ ký sao cho đúng quy định? – Minh Phương (Đà Nẵng)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Dấu giáp lai là gì?

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành không có định nghĩa về dấu giáp lai. Có thể hiểu dấu giáp lai là con dấu đóng vào lề phải của tài liệu gồm hai tờ trở lên để tất cả các tờ có thông tin về con dấu đảm bảo tính xác thực của từng tờ văn bản và ngăn chặn thay đổi nội dung, tài liệu sai lệch.

2. Hướng dẫn đóng dấu giáp lai đúng quy định

Khoản 1 Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng con dấu như sau:

Điều 33. Sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật

1. Sử dụng con dấu

a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.

d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.

đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

Như vậy, dấu giáp lai phải được đóng theo các quy định sau:

- Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy.

- Mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.

- Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

Hướng dẫn đóng dấu giáp lai (Ảnh minh họa)

3. Hướng dẫn đóng dấu chữ ký đúng quy định

Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì dấu chữ ký phải được đóng theo các quy định sau:

- Đóng dấu sau khi có chữ ký của người có thẩm quyền, không đóng dấu khi chưa có chữ ký.

- Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.

- Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.

Hướng dẫn đóng dấu chữ ký (Ảnh minh họa)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 370,101

Bài viết về

Văn thư - Lưu trữ

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]