Lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
25/06/2021 08:29 AM

Để tránh việc tranh giành tài sản khi bố mẹ chết, họ thường lập di chúc để phân định rõ ràng tài sản. Vậy, khi lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con không?

Lập di chúc có cần sự đồng ý của tất cả các con?

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc được định nghĩa:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Như vậy, di chúc là văn bản được lập ra khi một người có tài sản và muốn để tài sản của mình cho người khác sau khi người đó chết. Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nên không phụ thuộc vào người khác.

Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 thì:

“Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;”

Như vậy, khi tiến hành lập di chúc, ba mẹ có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phụ thuộc vào con cái của mình.

Điều này được hiểu là khi lập di chúc, ba mẹ hoàn toàn không cần phải có sự đồng ý của các con. Việc quyết định ai là người được hưởng di sản thừa kế và hưởng phần di sản thừa kế như thế nào hoàn toàn dựa vào ý chí ba mẹ.

Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào tài sản mà ba mẹ lập di chúc. Trong một số trường hợp vẫn cần phải có sự đồng ý của các con như tài sản là đất cấp cho hộ gia đình thuộc sở hữu chung thì vẫn phải cần sự đồng ý của các con.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,781

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn