Thông tin cơ bản về tiền lương, thưởng của người lao động

11/04/2018 09:18 AM

Mối quan tâm lớn nhất của người lao động là tiền lương, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ những quyền lợi cơ bản về tiền lương của mình.

Thông qua bài viết này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin tổng hợp các quy định liên quan, nhằm cung cấp cho quý thành viên những thông tin cơ bản nhất về tiền lương, cũng như các chế độ của người lao động trong doanh nghiệp.Tiền lương của người lao động thông thường sẽ bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác. 

1. Mức lương (bắt buộc phải có)

Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể mức lương theo thang bảng lương xây dựng theo nguyên tắc tại Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP. Trong đó:

- Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

- Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

- Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

2. Các loại phụ cấp và các khoản bổ sung khác (không bắt buộc)

Điều 102. Chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương

Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.

Điều 103. Tiền thưởng

1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Bên cạnh đó, đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại sẽ có khoản bồi dưỡng bằng hiện vật bắt buộc từ người sử dụng lao động theo quy định của Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH. Cụ thể mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

- Mức 1: 10.000 đồng;

- Mức 2: 15.000 đồng;

- Mức 3: 20.000 đồng;

- Mức 4: 25.000 đồng.

Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có thể quy định các khoản phúc lợi khác như: tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Các khoản này không nằm trong nhóm tiền lương nên sẽ ghi thành một mục riêng trong hợp đồng lao động và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho các khoản phúc lợi này.

Hoài Thương

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 27,728

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]