Hai mặt của tăng lương

09/08/2017 07:51 AM

Dù đã chốt phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, nhưng cả hai bên đại diện cho doanh nghiệp (DN) và người lao động đều chưa hài lòng.

Sau 3 phiên họp, ngày 7/8, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu để đi đến kết quả cuối cùng. Theo đó, phương án được đa số thành viên lựa chọn đó là mức tăng lương bình quân 6,5%.

Chấp nhận nhưng chưa thỏa mãn

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp mức tăng 6,5% mà Hội đồng quyết định được cân nhắc dựa trên bối cảnh kinh tế, sự phát triển của DN và người lao động. Đồng thời, tính toán đến sự chi trả của các DN và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Con số 6,5% do Hội đồng bỏ phiếu chúng tôi chấp nhận nhưng chưa thoả mãn. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã bỏ phiếu chọn mức 7% trên cơ sở có tính toán, chia sẻ nhiều với DN”.

Về phía đại diện DN, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết ông cũng “chưa hài lòng” với kết quả này. Mặc dù kinh tế - xã hội có cải thiện, song theo ông Phòng, DN vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, lao động, môi trường kinh doanh và các yếu tố khác. Khi VCCI thực hiện khảo sát, các DN cho biết không muốn tăng lương tối thiểu. Bởi lương tăng sẽ đẩy chi phí sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cho rằng: “Đương nhiên người bảo vệ lao động muốn người lao động có thu nhập cao, nhưng khách quan mà nói thì thu nhập cao phải xuất phát từ việc cải thiện năng suất lao động và khả năng chi trả của bản thân DN”.

Theo ông Giám, người lao động muốn nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải cải thiện năng lực, năng suất lao động, dịch chuyển sang vị trí cao hơn để có thu nhập tốt hơn - đó mới là sự cải thiện thực chất.

“Hàng năm nếu cứ đề ra mức tăng lương tối thiểu tăng cao hơn so mức tăng GDP và mức tăng thu ngân sách nhà nước thì chúng ta đã tự gây khó khăn cho bản thân mình. Ngoài ra, về mặt chính sách cần ổn định. Tức là cần có lộ trình tăng lương kéo dài 3 - 5 năm, thay vì năm nào cũng bàn đến chuyện tăng lương. Có như vậy, DN mới chủ động việc lên kế hoạch, tính toán được công việc sản xuất kinh doanh”, ông Giám kiến nghị.

Cũng theo ông Giám, việc tăng lương tối thiểu sẽ có hai mặt. Người lao động sẽ có một số lợi ích như tăng bảo hiểm khi về hưu… Tuy nhiên, việc đẩy chi phí tiền lương kèm theo đó là các loại phí bảo hiểm, công đoàn lên cao… có thể khiến DN khó khăn, thu hẹp sản xuất. Từ đó, không tạo ra nhiều việc làm, thậm chí có thể cắt giảm nhân sự vì gánh nặng chi phí nhân công quá lớn.

5% là hợp lý?

TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng đối với người lao động, lương tối thiểu không phải vấn đề vì thực tế đại đa số DN trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu.

Do vậy, mức lương tối thiểu tăng lên không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, chỉ tác động đến chi phí sản xuất của DN.

Hiện DN phải đóng cho các quyền lợi của người lao động khoảng 24% (trong đó 22% cho các loại bảo hiểm, 2% phí công đoàn) đều được tính dựa trên cơ sở mức lương tối thiểu.

“Việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến cho chi phí của DN đội lên một khoản đáng kể. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho DN phải tìm những phương thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động. Cuối cùng, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi cả, chỉ có quỹ bảo hiểm, công đoàn được lợi thôi”, ông Minh nói.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đại diện cho người lao động nên luôn luôn nhấn mạnh nhu cầu sống tối thiểu, mong muốn đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu nên đưa ra mức đề xuất cao. Còn VCCI và các Hiệp hội đưa ra mức đề xuất dựa trên các khó khăn, nhất là tăng chi phí dẫn đến khả năng cạnh tranh của DN (DN) nên đưa ra mức đề xuất thấp.

“Tôi vẫn trao đổi với một số giám đốc DN lớn, sử dụng nhiều lao động, người ta cũng nghi ngại khi hàng năm mình vẫn tăng mà bây giờ dừng lại thì tâm lý người lao động sẽ ảnh hưởng, người ta vẫn nhất trí là vẫn tăng nhưng tỷ lệ tăng giảm xuống. Chẳng hạn, năm 2018 có thể tăng 5% bởi chỉ tiêu CPI mà Quốc hội khống chế là dưới 5%, nếu tăng lương 5% tức là đã đảm bảo được mức lương thực tế cho người lao động, tức là không bị tụt. Nếu năm 2018 – 2019, tình hình DN khá hơn thì các năm sau tiếp tục tăng ở mức cao hơn thì hài hòa hơn”, ông Huân phân tích.

Theo ông, trong khi nhiều DN còn khó khăn, nếu cứ đà tăng lương thì nhiều DN cũng sẽ nghĩ đưa công nghệ thiết bị vào thay thế con người sẽ tạo được năng suất cao hơn, chi phí lần đầu có thể cao nhưng dần dần sẽ ổn, còn nếu chi phí cho người lao động cứ liên tục tăng thì đây cũng là điểm khó.

“Nếu giãn ra được thì tốt, còn nếu không thì tăng ở mức 5% là hợp lý. Mức này giữ sức được cho DN và khi DN tồn tại phát triển, khỏe lên thì lúc đó sẽ tăng ở mức cao hơn. Năm 2018, nhiều DN khó khăn lắm nên vẫn đề nghị Chính phủ phải cân nhắc việc tăng lương, nếu giãn lộ trình ra thì tốt hơn”, ông Huân cho hay.

Thanh Hằng

Theo Cổng thông tin Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,714

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn