Doanh nghiệp phản ứng gì trước mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

11/08/2017 08:16 AM

Mới đây Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% và sẽ báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Tuy nhiên, xung quanh mức tăng này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có ý kiến trái chiều.

Người lao động

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đề xuất nên giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng Ảnh: Thái Bình.

Lo không kham nổi

Tại phiên họp thứ ba của Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được chốt tăng ở mức 6,5% tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương. Cụ thể, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là: Vùng I tăng từ 3.750.000 đồng/tháng lên 3.980.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.320.000 đồng/tháng lên 3.530.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 2.900.000 đồng/tháng lên 3.090.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 2.580.000 đồng/tháng lên 2.760.000 đồng/tháng. Trong khi phương án này sẽ được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình lên Chính phủ để quyết định mức tăng lương năm 2018 thì vẫn còn nhiều ý kiến của doanh nghiệp đang trực tiếp sử dụng, chi trả lương cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Phó giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho rằng, việc tiếp tục tăng lương tối thiểu vào năm 2018 sẽ ảnh hưởng đến mức chi trả của doanh nghiệp. Hơn nữa, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả cho người lao động là hơn 4 triệu đồng/tháng. Để thực hiện mức tăng lương tối thiểu vùng như năm 2017, tiền đóng BHXH và các phí khác của công ty đã gần 22 tỷ đồng. Trước đó, tại phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia tôi cũng đã đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, hoặc nếu có cũng chỉ nên tăng ở mức dưới 5% để đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp.

 “Đối với ngành may mặc, quỹ tiền lương chiếm khoảng 60% tổng chi phí. Vì vậy, nếu như tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng, với những công ty sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực may mặc sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành. Bên cạnh đó, ngành may mặc trả lương theo sản phẩm. Nếu cứ tăng lương tối thiểu vùng hàng năm, nhiều lao động có chất lượng thấp sẽ vẫn được hưởng lương cao dẫn đến tâm lý ỷ lại của người lao động. Trong số 12.000 lao động của công ty May 10 thì có khoảng 5% thường phải bù lương vì không đáp ứng được tay nghề dù đã qua đào tạo. Hiện quỹ lương hàng tháng công ty đang trả là 60 tỷ đồng/tháng trong khi lợi nhuận cả năm công ty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng", ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Còn theo ông Phạm Lê Hoàng, Giám đốc công ty may Hưng Hải (Hưng Yên), một công ty sử dụng một lượng lớn lao động phổ thông cho biết, việc tăng lương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “sức khỏe” của công ty bởi bên cạnh việc tăng lương tối thiểu cũng đồng nghĩa với việc các khoản chi phí khác như phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội của công ty cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bắt đầu từ ngày 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức tiền lương dựa trên tiền lương tối thiểu và các khoản phụ cấp và bổ sung khác ngoài lương và không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Như vậy, tất cả các khoản phụ cấp khác của công ty như: Tiền làm thêm giờ, tiền ăn trưa, tiền thưởng chuyên cần, tiền xăng xe đi lại đang được công ty áp dụng cho lao động cũng sẽ phải tính hết vào lương để tính mức đóng BHXH. Điều này cũng làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Theo tính toán của chúng tôi, quỹ lương của doanh nghiệp bị đội lên nếu tăng lương 6,5% vào năm 2018 sẽ vào khoảng 2,6%. Đây sẽ là bài toán khó cho chúng tôi trong năm tới nếu muốn vừa tăng lương cho lao động vừa bổ sung thêm máy móc để năng cao năng lực sản xuất.

Cả lao động và doanh nghiệp đều khó  

Cũng có cùng nỗi lo như ông Phạm Lê Hoàng, ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc Công ty Happytex Việt Nam, một công ty chuyên kinh doanh và sản xuất các sản phẩm may mặc, quần áo may sẵn, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày. Bởi việc tăng lương tối thiểu không làm lương của người lao động tăng nhiều mà chỉ làm tăng chi phí đóng bảo hiểm và phí công đoàn của doanh nghiệp, đồng thời người lao động cũng sẽ mất thêm tiền để đóng bảo hiểm. Và theo tôi việc tăng lương không liên quan gì đến việc người lao động tăng năng suất bởi lẽ các lao động trong doanh nghiệp may mặc đều là những lao động phổ thông, để tăng được năng suất lao động phải dựa vào máy móc.

Với việc lương tối thiểu vùng tăng 6,5% vào năm 2018, theo dự tính quỹ lương của công ty sẽ tăng lên khoảng 2%, hiện lao động của doanh nghiệp đang được hưởng lương 4,5 triệu đồng/người, như vậy tương ứng với tăng 90.000 đồng/tháng và 1.080.000 đồng/năm đối với một lao động. Hiện công ty đang có 1.200 lao động và với mức phí tăng thêm là 1.080.000 đồng/năm/lao động thì số tiền mà công ty phải đóng thêm là gần 1,3 tỷ đồng, con số này đối với doanh nghiệp là rất lớn. Đối với những doanh nghiệp lỗ hoặc đang phải đi vay để cầm cự thì không lấy đâu ra tiền để chi trả cho người lao động khoản đó, buộc phải lấy từ quỹ lương ra thì có nghĩa tổng thu nhập thực tế của người lao động sẽ bị giảm xuống. Như vậy, có nghĩa là cả người lao động và doanh nghiệp đều sẽ gặp khó khăn.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩn, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, mức tăng 6,5% đã thu hẹp tối đa khoảng cách giữa các bên. Tuy nhiên, quan điểm của đại diện Vitas nếu được, vẫn nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong 1-2 năm để doanh nghiệp lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay. Trong vòng 10 năm qua từ năm (2007-2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với doanh nghiệp trong nước và tăng 15% đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm, sử dụng máy móc thay thế người lao động.

Xuân Thảo

Theo Báo Hải quan Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,582

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn