Bà Mai Phương ở phòng cách ly sẽ được hưởng quyền gì?

27/06/2017 15:45 PM

Xoay quanh vụ án “hoa hậu Phương Nga - đại gia Cao Toàn Mỹ”, nhiều câu hỏi được bạn đọc gửi đến như là: “Bà Mai Phương ở phòng cách ly sẽ được hưởng quyền gì? Nếu người làm chứng không đến phiên xét xử thì sao?...”

Trong một vụ án hình sự, người làm chứng đóng vai trò khá quan trọng trong việc làm rõ tình tiết của vụ án. Lời khai của người làm chứng có liên quan đến vụ án được xem là một trong những chứng cứ theo quy định tại Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về vụ án, nhân thân của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, quan hệ giữa họ với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng khác và trả lời những câu hỏi đặt ra.

1. Bà Mai Phương ở phòng cách ly được hưởng quyền gì?

Người làm chứng có thể được cách ly tại phiên xét xử nếu lời khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa có thể quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng theo quy định tại Khoản 2 Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp này kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự vẫn có quyền hỏi thêm người làm chứng.

Tuy nhiên, trong vụ án này, việc cách ly người làm chứng vẫn cần phải làm rõ thông tin lý lịch nhân thân của người này, và hơn hết là có sự nhận diện của bị cáo ở đây là Phương Nga, Thùy Dung và người làm chứng Lữ Minh Nghĩa. Vì liệu có ai có thể xác nhận được người làm chứng Mai Phương đang nói tại phiên xét xử là người mà mấy hôm nay được nhắc đến trong tình tiết vụ án.

Trong trường hợp này, người làm chứng có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập mình bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng (Điểm a Khoản 3 Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự).

Mai Phương

2. Người làm chứng không đến phiên xét xử có thể bị xử lý hình sự

Tại phiên tòa, nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Trong trường hợp người làm chứng được Toà án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải.

Quyết định dẫn giải người làm chứng ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt. Việc dẫn giải không được thực hiện vào ban đêm.

Nếu người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo khi có lệnh triệu tập hoặc dẫn giải mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự: “Người nào từ chối khai báo nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 22 của Bộ luật này hoặc trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm .”

Nếu khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật hình sự: “Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Hân Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,316

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn