Vụ hoa hậu Phương Nga - Cao Toàn Mỹ: Chuyện bé xé ra to?

27/06/2017 15:23 PM

Ngày 19/3/2015, hoa hậu người Việt tại Nga Trương Hồ Phương Nga bị công an tạm giữ (sau đó chuyển thành tạm giam đến tận bây giờ) do liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 16.5 tỷ đồng của đại gia Cao Toàn Mỹ” và đến nay mọi chuyện dường như chưa có lời kết.

Vô phúc đáo tụng đình

Đến nay, đã hơn 2 năm hoa hậu Phương Nga bị tạm giam và cũng chừng ấy thời gian ông Cao Toàn Mỹ vướng vào vụ án, rõ ràng các bên đã tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc, uy tín… Điều này, hoàn toàn giống như quan niệm của ông cha ta “vô phúc đáo tụng đình”.

Theo tôi, dù kết quả của vụ án này như thế nào (hoa hậu Phương Nga có tội hay vô tội,…) thì tổn thất của các bên vẫn lớn hơn những gì nhận về (nếu có), vụ án càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn.

Bởi vậy, tác giả xin tạm gác vấn đề hình sự để bàn đến góc nhìn về tình người, mối quan hệ dân sự trong vụ án này.

Hoa Hậu Phương Nga - Cao Toàn Mỹ

Chuyện bé xé ra to?

Sự thật được cả ông Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Phương Nga thừa nhận là: “Ông Mỹ có đưa cho bà Nga 16.5 tỷ đồng”. Bà Nga không hề chối bỏ việc có nhận tiền của ông Mỹ, vấn đề tranh cãi ở đây là “mục đích của số tiền đó để làm gì?”.

Đây chỉ là mâu thuẫn thông thường trong quan hệ dân sự, nếu cả hai ngồi lại để giải quyết tranh chấp này thì đúng là câu chuyên vô cùng bé và cái kết sẽ giữ được tình người. Nếu đôi bên không thể tự giải quyết tranh chấp thì có thể nhờ người thứ ba hòa giải, nhờ luật sự hỗ trợ trong việc đàm phán, hòa giải…trong trường hợp “bất đắc dĩ” có thể kiện ra tòa án giải quyết sự việc trên cơ sở một tranh chấp dân sự thông thường.

Rất tiếc, trường hợp này vô tình đôi bên đã “hình sự hóa quan hệ dân sự”, đến lúc này khó có thể đoán được “kịch bản” nào cho lời kết của vụ án; song một điều chắc chắn sẽ có người bị coi là có tội trong vụ án và chịu trách nhiệm hình sự.

Qua sự việc này, rất mong mọi người giải quyết tranh chấp dân sự thông thường trên cơ chế thương lượng, hòa giải, “bất đắc dĩ” mới đưa ra tòa án để nhằm tiết kiệm được thời gian, tiền bạc… cho đôi bên. Không nên “hình sự hóa quan hệ dân dân sự” để đôi bên vướng vào vòng lao lý.

 

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản_Bộ luật Hình sự 1999 (đã được sửa đổi năm 2009).

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 82,966

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn