Chính sách mới >> Tham nhũng 12/07/2024 22:00 PM

Sớm ban hành kết luận thanh tra với các cuộc thanh tra đã kết thúc, không để kéo dài quá thời hạn quy định

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
12/07/2024 22:00 PM

Chính phủ yêu cầu sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc, không để kéo dài quá thời hạn quy định, nhất là các cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Sớm ban hành kết luận thanh tra với các cuộc thanh tra đã kết thúc, không để kéo dài quá thời hạn quy định

Sớm ban hành kết luận thanh tra với các cuộc thanh tra đã kết thúc, không để kéo dài quá thời hạn quy định (Hình từ internet)

Sớm ban hành kết luận thanh tra với các cuộc thanh tra đã kết thúc

Nội dung đề cập tại Nghị quyết 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc, không để kéo dài quá thời hạn quy định, nhất là các cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ;

Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm và các sai phạm về kinh tế, thu hồi triệt để tiền, tài sản về ngân sách nhà nước. Kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình trì hoãn, chây ỳ, né tránh, không thực hiện kết luận thanh tra.

Quy định về thời hạn ban hành kết luận thanh tra

Tại Điều 78 Luật Thanh tra 2022 quy định về ban hành kết luận thanh tra như sau:

(1) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

(2) Kết luận thanh tra phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi và bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

- Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra hành chính; đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý của đối tượng thanh tra đối với cuộc thanh tra chuyên ngành;

- Kết luận về nội dung thanh tra;

- Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

- Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có) để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan và kiến nghị khắc phục.

(3) Trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước.

(4) Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

(5) Kết luận thanh tra sau khi công khai được gửi đến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra cấp trên, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,403

Bài viết về

Phòng chống tham nhũng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn