Đây là nội dung tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do Chính phủ ban hành.
Nghị quyết 02/NQ-CP nêu rõ: Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên.
Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới - WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018; Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO) giữ thứ hạng tốt, ở vị trí 44/132 (năm 2021); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc - UN) xếp thứ 86 (năm 2020), tăng 2 bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của UN) xếp thứ 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016 (vị trí 88); An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018 (vị trí 50).
Ở một số lĩnh vực cụ thể, các tổ chức quốc tế tiếp tục duy trì đánh giá, xếp hạng trong năm 2021 như Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản), Cảm nhận tham nhũng (của Tổ chức minh bạch quốc tế), Hiệu quả quản trị nhà nước (của Ngân hàng thế giới - WB). Trong đó, Ngân hàng thế giới đánh giá Hiệu quả quản trị của nước ta năm 2020 có mức độ cải thiện tốt hơn so với các năm trước đó.
Năm 2022, nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của đại dịch COVID-19 có xu hướng chững lại.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Năm 2021 so với năm 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84); Cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc (từ thứ 96 xuống 104).
Do đó, Chính phủ đặt ra một số mục tiêu cụ thể năm 2022 về cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) theo xếp hạng của WEF như sau:
- Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1).
- Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 1 bậc.
- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng (B4) lên 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (B5) lên 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) lên ít nhất 5 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (B8) lên 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10) lên 2-3 bậc.
- Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (B11) lên 2-3 bậc.
Xem thêm tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022.
Châu Thanh