Về việc sửa đổi Bộ Luật hình sự (BLHS) hiện hành, cơ quan soạn thảo đã đề nghị bỏ hình phạt ở 7 tội danh là cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Ngoài ra, dự thảo BLHS tách hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh riêng và bỏ hình phạt tử hình ở các tội này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh này nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến nhân dân khi góp ý vào dự thảo. Nhưng một số ý kiến đề nghị, ngoài 7 tội như đề xuất của Chính phủ, đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm 3 tội khác: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Trong đó, không thi hành án tử hình đối với tội phạm tham ô, nhận hối lộ sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra xử lý tội phạm.
Tại hội trường, có nhiều ý kiến bày tỏ khác nhau với việc bỏ tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ với những lý lẽ của riêng mình.
Đại biểu Tô Văn Tám của tỉnh Kon Tum cho rằng: “Tính nhân đạo và khoan hồng trong Luật Hình sự là hết sức cần thiết đối với người phạm tội mà ăn năn hối cải, nhận rõ hành vi sai trái của mình để chủ động tích cực khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý, nhưng sự hối cải và sự nhận thức chủ động tích cực khắc phục đó nên ghi nhận ở giai đoạn phát hiện tội phạm và đang trong quá trình xử lý, còn sau khi được tuyên án tử hình thì không còn chủ động tích cực nữa mà lúc đó vì quá sợ bị tử hình mà tích cực khắc phục để cứu lấy sự sống của mình”.
Đại biểu Tám cũng nêu trường hợp người phạm tội tham ô có thể sẽ có tư tưởng chờ xem án sẽ tuyên ra sao, nếu tuyên tử hình, lúc đó hãy chủ động tích cực khắc phục hậu quả, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để tránh bị tử hình. Nếu tuyên không là tử hình thì sẽ tìm cách giữ tài sản đã tham nhũng hay hối lộ mà có.
Ông Tô Văn Tám đề nghị không quy định vấn đề này mà đưa các tình tiết chủ động khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác cơ quan điều tra trong phát hiện xử lý tội phạm thành các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt để áp dụng Khoản 1, Điều 54 khi lượng hình. Như vậy, người phạm tội này vẫn có cơ hội thoát khỏi án tử hình.
Còn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói: “Tôi đồng tình không thi hành án, tuy nhiên phải quy định chặt, nếu không rất dễ bị lợi dụng. Vì phải nộp bao nhiêu tiền, nộp có 5, 10 triệu đồng rồi ông bảo chủ động nộp để miễn thi hành án tử hình là không được. Hay như thế nào là hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng là phải rất rõ. Thứ ba là lập công lớn là công cái gì. Phải chứng minh cho rõ mới đồng tình được, Quốc hội mới bấm nút thông qua”.
Nhưng đại biểu Siu Hương (Gia Lai) nhất quyết: “Tôi đề nghị vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ đối với người phạm tội mà sau khi kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra. Vì đây là hai tội nặng nhất trong các tội phạm tham nhũng. Trong thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, lợi dụng sự tín nhiệm, quyền hạn được giao để phạm tội hết sức nghiêm trọng, gây thất thoát rất lớn tài sản của nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân. Nên vẫn phải thi hành án tử hình đối với các tội này. Sẽ có tác dụng răn đe và sự quyết tâm cao của Đảng và nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”.
Quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Trong dự thảo BLHS (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng, chống vi phạm pháp luật của pháp nhân, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc áp dụng chế tài.
“Theo Điều 76, dự thảo Luật Hình sự (sửa đổi) ,các tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là các tội thuộc lĩnh vực kinh tế, môi trường, phần lớn do các pháp nhân kinh tế thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, tính cụ thể, tránh bỏ lọt tội phạm, đề nghị quy định rõ những pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự là doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu”, đại biểu Thân Đức Nam kiến nghị.
Còn đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng cần xác định rõ phạm vi tổ chức có thể phải chịu trách nhiệm hình sự cũng như điều kiện phạm vi các tội phạm mà pháp nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo ông Bộ, BLHS nên quy định rõ ràng và đầy đủ hệ thống hình phạt riêng gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội và trong đó chú trọng đến hình phạt về tài sản đặc biệt là hình phạt tiền.
Ngoài ra, pháp nhân còn có thể bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với lĩnh vực mà pháp nhân vi phạm.
Thành Chung
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ