Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

27/11/2015 17:17 PM

Sáng 27/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo, với 410/411 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 83,2% tổng số đại biểu Quốc hội.

phòng chống tham nhũng

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSNDTC, TANDTC và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, ngày 18/11/2015, Đoàn thư ký kỳ họp đã gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo. Đến ngày 20/11/2015, Đoàn thư ký đã nhận được 404 văn bản cho ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong đó có 349/404 ý kiến đồng ý hoàn toàn, 55/404 ý kiến góp ý cụ thể về một số nội dung.

Theo Nghị quyết, năm 2015 và những năm qua, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, kịp thời giải quyết các tranh chấp trong nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Đại bộ phận cán bộ làm công tác tư pháp tận tụy với công việc, có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, hiệu quả một số mặt công tác tư pháp vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội còn bất cập, hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Công tác ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật, bộ luật về lĩnh vực tư pháp còn chậm, chưa đầy đủ. Tội phạm ma túy, sử dụng công nghệ cao, trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu, buôn bán người, giết người đặc biệt nghiêm trọng,… gây lo lắng trong nhân dân. Chất lượng tranh tụng trong xét xử chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả thi hành án dân sự có tiến bộ nhưng số án tồn đọng còn lớn cả về số vụ và số tiền phải thi hành án. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan có vụ việc còn chậm…

Quốc hội tán thành với các giải pháp mà Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề ra và yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong năm 2016 và các năm tiếp theo, giao Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn 2011- 2015, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp về phòng, chống tội phạm trong giai đoạn tiếp theo.

Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trước hết ở các thành phố lớn và khu kinh tế trọng điểm. Hằng năm, báo cáo Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và kết quả xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm; các giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm chất lượng, tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm các vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều được khởi tố, điều tra theo đúng pháp luật, chống bỏ lọt tội phạm và hành chính hoá quan hệ hình sự; tăng cường chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao tỷ lệ, chất lượng điều tra, khám phá tội phạm; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam; hạn chế đến mức thấp nhất số người bị tạm giữ hình sự nhưng sau đó phải trả tự do hoặc chuyển xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Có giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác thi hành án phạt tù, thi hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, tình trạng mang vật cấm vào cơ sở giam giữ.

Quốc hội giao Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; giảm tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng so với năm 2015; khắc phục triệt để việc để xảy ra oan; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị, kiến nghị, bảo đảm các kiến nghị phải có căn cứ, đúng pháp luật, được các cơ quan, đơn vị hữu quan chấp nhận đạt tỷ lệ trên 80%...

Tăng cường công tác kiểm sát thi hành án, chú trọng việc kiểm sát phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành, công tác thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú tại địa phương.

Giao Toà án nhân dân tối cao cần có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định; hạn chế tối đa bản án bị huỷ, sửa do vi phạm quy định của pháp luật, bảo đảm tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm không vượt quá 1,5%; không để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn tạm giam bị cáo trong giai đoạn xét xử, phấn đấu không để xảy ra việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm…

Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thi hành án hình sự, Luật đặc xá, Luật xử lý vi phạm hành chính; ban hành Nghị quyết về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Luật đăng ký tài sản; hằng năm, báo cáo Quốc hội về tình hình Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam có vi phạm pháp luật bị xử lý.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc phát hiện và xử lý tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng; kịp thời kiến nghị với các cơ quan hữu quan khắc phục hạn chế, thiếu sót; giám sát các cơ quan hữu quan ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng và tổ chức triển khai thi hành bộ luật, luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách nêu tại Nghị quyết này.

Hằng năm, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nnhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm

An Vy

Theo Quochoi.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,212

Bài viết về

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]