Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải với nhiều quy định đột phá

25/11/2015 16:20 PM

Với 438 ĐBQH tham gia biểu quyết (chiếm 88,66% tổng số ĐBQH) và 433 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 87,65%), Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).

bộ luật hàng hải 2015 thư viện pháp luật

Tỷ lệ biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

Trong phiên làm việc chiều 25/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) với 20 chương, 434 Điều.

Thông qua Bộ luật Hàng hải với số phiếu tán thành cao

Trước khi thông qua toàn bộ Dự thảo Bộ luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Điều 7 của Dự thảo bộ Luật về Chính sách của Nhà nước về phát triển hàng hải. Có 433 ĐB biểu quyết (chiếm 87,655), trong đó có 429 ĐB tán thành (chiếm 86,84%).

Có 438 ĐB tham gia biểu quyết (88,66%), 433 ĐB tán thành (chiếm 787,65%) thông qua Điều 75 về Tiêu chí xác định Cảng biển; có 431 ĐB biểu quyết (chiếm 87,25%), 423 ĐB tán thành (85,63%) thông qua Điều 86 về Quản lý hoạt động của tàu thuyền tại cảng, bến thủy nội địa và cảng cá trong vùng nước cảng biển; có 428 ĐB biểu quyết (86,64%), 409 ĐB tán thành thông qua Điều 90 về Ban quản lý và khai thác cảng.

Biểu quyết toàn bộ Dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi), có 438 ĐB tham gia và có tới 433 ĐB tán thành (chiếm 87,65%), Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Bộ luật này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017.

bộ luật hàng hải 2015 thu vien phap luat

Các ĐBQH tham gia biểu quyết trong phiên họp chiều 25/11

Áp dụng mô hình mới, tạo đột phá để phát triển hàng hải

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh về mô hình Ban quản lý và khai thác cảng (từ Điều 90 đến Điều 92).

Trước một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không nên thành lập Ban quản lý và khai thác cảng vì cho rằng không thể đem lại hiệu quả trong khai thác cảng biển, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong việc đầu tư, khai thác manh mún, thiếu hiệu quả như tại một số cảng biển hiện nay, để tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển; tạo bước đột phá để phát triển hàng hải thì việc áp dụng mô hình mới trong quản lý và khai thác cảng biển mà cụ thể là Ban quản lý và khai thác cảng là cần thiết.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn quản lý, khai thác cảng biển của ta, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh, dự thảo Bộ luật quy định theo hướng chỉ áp dụng mô hình này ở một số cảng biển ở khu vực theo quy định của Chính phủ. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về Ban quản lý và khai thác cảng biển trong dự thảo Bộ luật.

Có ý kiến đề nghị xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của Ban quan lý và khai thác cảng, vì chồng chéo với chức năng của cơ quan, tổ chức khác; quy định tổ chức này vừa có chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh là không hợp lý. Một số ý kiến cho rằng quy định về Ban quản lý và khai thác cảng còn sơ sài; do đó, đề nghị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý và mối quan hệ của tổ chức này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào dự thảo Bộ luật một số điều quy định cụ thể hơn về Ban quản lý và khai thác cảng. Đồng thời, dự thảo Bộ luật đã được rà soát, chỉnh lý các quy định về Ban quản lý và khai thác cảng theo hướng lược bỏ các quy định trùng lặp, chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác; xác định rõ tổ chức này là doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng được giao thực hiện hoạt động quản lý nội bộ trong khu vực vùng đất, vùng nước được giao.

bộ luật hàng hải 2015 thu vien phap luat

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi)

Trước ý kiến đề nghị nên áp dụng mô hình “Chính quyền cảng” giống như ở một số nước có ngành hàng hải phát triển để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong khai thác cảng biển ở nước ta, góp phần phát triển kinh tế biển trong thời gian tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định mô hình chính quyền cảng hiện đang được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nước có ngành hàng hải phát triển. Đây là tổ chức có quyền tự chủ rất cao (về quy hoạch, xây dựng, cho thuê đất, cầu cảng, thực hiện một số chức năng của cảng vụ…).

Tuy nhiên, đối với nước ta, đây là vấn đề mới, nếu áp dụng ngay sẽ gặp nhiều vướng mắc, chẳng hạn như việc trao một số thẩm quyền về quản lý nhà nước tại khu vực cảng cho “chính quyền cảng” nhưng chính quyền cảng lại là doanh nghiệp… Ngoài ra, việc sử dụng cụm từ “Chính quyền cảng” sẽ gây nhầm lẫn với quy định về Chính quyền địa phương tại Điều 111 và Điều 112 của Hiến pháp.

Do vậy, trong sửa đổi Bộ luật lần này chỉ mới áp dụng một số điểm của mô hình chính quyền cảng thông qua việc cho phép thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại một số khu vực cảng biển sẽ được đầu tư mới, nhằm khắc phục những hạn chế trong việc đầu tư, khai thác manh mún, thiếu hiệu quả như tại một số cảng biển thời gian qua, tăng cường hiệu quả của hoạt động quản lý, khai thác cảng biển.

Hoài Thu

Theo Báo Giao thông vận tải

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,709

Bài viết về

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]