Người bị giam giữ vi phạm kỷ luật vẫn bị cùm chân

25/11/2015 17:24 PM

Chiều 25-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Theo luật vừa được thông qua, người bị tạm giam, tạm giữ được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị quy định riêng về quyền, nghĩa vụ của hai nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội. Ý kiến khác đề nghị không quy định về quyền bầu cử của người đang chờ thi hành án tử hình.

Về vấn đề này, Ủy ban TVQH cho rằng theo quy định tại Điều 29, 30 của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và ĐB HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ. Đối với người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Dự thảo luật đã quy định “người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND”. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Liên quan đến chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung chế độ cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi; bổ sung số lần nhận quà tăng gấp hai lần đối với phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người chưa thành niên.

luật tạm giam tạm giữ 2015 thư viện pháp luật

Ảnh minh họa

UBTVQH nhận thấy việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải vừa phúc đáp yêu cầu tình cảm, thăm hỏi và động viên tinh thần họ nhưng vừa phải phục vụ tốt cho công tác điều tra khám phá tội phạm. Trong dự thảo luật đã quy định thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng này như người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được tăng thêm định lượng ăn về thịt, cá...; người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ, bác sĩ… đồng thời, so với hiện nay dự thảo luật đã quy định tăng thêm số lần gặp để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Đối với người khuyết tật nặng, người già trên 75 tuổi bị tạm giữ, tạm giam, theo quy định họ vẫn có khả năng nhận thức, năng lực hành vi dân sự đầy đủ nên  không có căn cứ để quy định họ hưởng chế độ cao hơn so với những người bị tạm giữ, tạm giam khác.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc lại biện pháp kỷ luật “cùm một chân” tại khoản 3 Điều 23 dự thảo luật vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

UBTVQH cho rằng trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn cho tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ.

"Quy định này là phù hợp và không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Do đó, UBTVQH đề nghị giữ như dự thảo luật" - ông Hiện cho biết.

Đức Minh

Theo Báo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,837

Bài viết về

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]