Chính sách mới >> Tài chính 10/09/2024 09:53 AM

Công điện 5676: Lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
10/09/2024 09:53 AM

Căn cứ theo mức độ thiệt hại của từng khoản vay, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với các đơn vị hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra (nếu có).

Lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra

Ngày 06/9/2024, Tổng Giám đốc NHCSXH có Công điện 5676/CĐ-NHCS về việc tổ chức phòng chống Cơn bão số 3.

Theo Công điện 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ Tướng Chính Phủ và thông tin trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về tin cơn bão số 3 năm 2024 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, diễn biến phức tạp, dự báo mức độ rủi ro thiên tai lớn.

Để đối phó với diễn biến của cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) yêu cầu Giám đốc Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trên thực hiện một số công việc sau:

- Chỉ đạo đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến của cơn bão số 3 và mưa lũ; chấp hành, tuân thủ quy định của địa phương về phòng chống lụt bão; triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất đảm bảo an toàn về người và tài sản của NHCSXH.

- Phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương và khách hàng vay vốn tại NHCSXH nắm bắt kịp thời những thiệt hại do cơn bão, mưa lũ gây ra. Căn cứ theo mức độ thiệt hại của từng khoản vay, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định (nếu có).

- Thực hiện báo cáo tình hình thiệt hại về vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH theo Công văn 8399/NHCS-QLN ngày 24/9/2021 của Tổng Giám đốc NHCSXH gửi về ban Quản lý và xử lý nợ rủi ro, file báo cáo gửi về địa chỉ email banqlnvbsp@gmail.com.

Như vậy, căn cứ mức độ thiệt hại của từng khoản vay, NHCSXH nơi cho vay hướng dẫn khách hàng vay lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra.

Lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra

Công điện 5676/CĐ-NHCS: Lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro do bão Yagi gây ra

Nguyên tắc xử lý nợ rủi ro

Theo Điều 3 Quyết định 50/2010/QĐ-TTg, việc xem xét, xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

- Khách hàng thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định, đã sử dụng vốn vay đúng mục đích;

- Khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản;

- Khách hàng gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ cho Ngân hàng.

Việc xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong đó, tại Điều 5 Quyết định 50/2010/QĐ-TTg (được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Quyết định 08/2021/QĐ-TTg) quy định về nguyên nhân khách quan như sau:

- Các loại thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; địch họa, hỏa hoạn; các dịch bệnh liên quan tới vật nuôi và cây trồng xảy ra làm thiệt hại đến vốn, tài sản của dự án hoặc phương án vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng: không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị cấm, bị hạn chế theo quy định của pháp luật; khách hàng phải thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Biến động chính trị, kinh tế - xã hội, dịch bệnh ở nước nhận lao động của Việt Nam làm ảnh hưởng đến người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; doanh nghiệp tiếp nhận lao động bị phá sản, giải thể; doanh nghiệp tiếp nhận lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc hoặc không đảm bảo tay nghề hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không do lỗi của người lao động dẫn đến việc người đi lao động ở nước ngoài phải về nước trước hạn.

- Khách hàng vay vốn là cá nhân hoặc có thành viên khác trong hộ gia đình (là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung tại thời điểm khách hàng đề nghị xử lý rủi ro): mắc bệnh tâm thần; mắc bệnh hiểm nghèo; mắc bệnh khác dẫn đến mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế; bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên; chết hoặc bị tuyên bố là đã chết; bị tuyên bố mất tích; vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 02 năm liền trở lên, tính từ thời điểm biết được tin tức cuối cùng về khách hàng vay vốn.

- Các khoản nợ phải thu hồi theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án theo thông báo của cơ quan thi hành án; các khoản nợ bị chiếm dụng mà người chiếm dụng chết, mất tích và không còn tài sản để trả nợ; khách hàng bị tuyên bố phá sản hoặc giải thể theo quy định của pháp luật.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,121

Bài viết về

Phòng chống lụt bão

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn