Những lỗi vi phạm giao thông dễ mắc phải trong dịp Tết Âm lịch 2025 đối với xe máy (Hình từ internet)
Với nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết Âm lịch 2025, người đi xe máy cần chú ý một số lỗi vi phạm giao thông dễ mắc phải để tránh bị xử phạt như sau:
(1) Lỗi vi phạm nồng độ cồn
* Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và trừ 04 điểm GPLX khi:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
(điểm a khoản 6, điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và trừ 10 điểm GPLX khi:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(điểm b khoản 8, điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và tước bằng lái từ 22 đến 24 tháng khi:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(điểm d khoản 9, điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(2) Lỗi chở cây cảnh, hàng hóa cồng kềnh
* Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng khi:
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh.
(điểm e khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và trừ 10 điểm GPLX khi:
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh mà gây tai nạn giao thông.
(điểm b khoản 10, điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
Theo quy định: Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét.
(khoản 5 Điều 33 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)
(3) Lỗi chạy quá tốc độ quy định
* Phạt tiền 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi:
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h.
(điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi:
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h.
(điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng khi:
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.
(điểm a khoản 8 và điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và trừ 10 điểm GPLX khi:
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông mà gây tai nạn giao thông.
(điểm b khoản 10, điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(4) Lỗi không đội mũ bảo hiểm
* Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi:
- Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.
- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
(điểm h và i khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(5) Lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng
* Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và trừ 04 điểm GPLX khi:
Người điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
(điểm c khoản 7 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP; điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
* Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và trừ 10 điểm GPLX khi:
Người điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mà gây tai nạn giao thông.
(điểm b khoản 10, điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
(6) Lỗi leo lề, chạy xe lên vỉa hè
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và trừ 02 điểm GPLX khi:
Người điều khiển xe đi trên vỉa hè, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan.
(điểm a khoản 7, điểm a khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)
- Việc trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện ngay sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà theo quy định của Nghị định này bị trừ điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành;
- Trường hợp cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần, nếu có từ 02 hành vi vi phạm trở lên theo quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe thì chỉ áp dụng trừ điểm đối với hành vi vi phạm bị trừ nhiều điểm nhất;
- Trường hợp số điểm còn lại của giấy phép lái xe ít hơn số điểm bị trừ thì áp dụng trừ hết số điểm còn lại của giấy phép lái xe đó;
- Trường hợp giấy phép lái xe tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn (xe mô tô, xe tương tự xe mô tô) và giấy phép lái xe có thời hạn (xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ) thì người có thẩm quyền xử phạt thực hiện trừ điểm đối với giấy phép lái xe không thời hạn khi người điều khiển xe mô tô, xe tương tự xe mô tô hoặc trừ điểm giấy phép lái xe có thời hạn khi người điều khiển xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thực hiện hành vi vi phạm hành chính có quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe;
- Không trừ điểm giấy phép lái xe khi giấy phép lái xe đó đang trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
(khoản 1 Điều 50 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)