Tải App trên Android

Từ năm 2025, đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay sẽ bị phạt

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/01/2025 09:45 AM

Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay sẽ bị phạt tiền đến 250.000 đồng.

Từ năm 2025, đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay sẽ bị phạt

Từ năm 2025, đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay sẽ bị phạt (Hình từ Internet)

Từ năm 2025, đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay sẽ bị phạt

Từ ngày 01/01/2025, các mức phạt vi phạm giao thông đường bộ sẽ áp dụng theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP thay thế cho các mức phạt cũ được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP); trong đó các mức phạt vi phạm giao thông đối với người đi bộ cũng thay đổi.

Đáng chú ý, Nghị định đã bổ sung mức phạt đối với hành vi đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay nhằm phù hợp với quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024.

Cụ thể, trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay;

Nếu người đi bộ đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định nêu trên thì sẽ chịu mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.

Cũng với mức phạt này, nếu người đi bộ có hành vi vi phạm sau đây cũng sẽ bị phạt tiền:

- Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định;

- Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP;

- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

Ngoài ra, người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng:

- Đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;

- Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

- Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

(Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP)

Người đi bộ phải tuân thủ theo những quy định gì theo luật mới?

Theo khoản 1 Điều 30 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, người đi bộ phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình;

- Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ.

Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay;

- Không được vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đường bộ đang di chuyển; khi mang, vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2025

Việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải tuân thủ các nguyên tắc như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm giao thông đường bộ được trật tự, an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; phòng ngừa vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân và tài sản của cơ quan, tổ chức.

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải công khai, minh bạch và thuận lợi cho người dân.

- Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

(Điều 3 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024)

Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,411

Bài viết về

Mức phạt vi phạm giao thông

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]