5 chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1 năm 2025 (Hình từ internet)
Tháng 1 năm 2025, nhiều chính sách giáo dục quan trọng bắt đầu có hiệu lực. Dưới đây là 05 chính sách giáo dục nổi bật có hiệu lực từ tháng 1 năm 2025:
Chính phủ ban hành Nghị định 151/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 hướng dẫn Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Cụ thể, trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh của trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông;
- Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT ngày 20/11/2024 sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 05/01/2025.
Theo đó, quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện như sau:
- Xây dựng dự thảo chương trình tổng thể và dự thảo các chương trình môn học.
- Lấy ý kiến góp ý dự thảo chương trình tổng thể và dự thảo các chương trình môn học.
- Hoàn thiện dự thảo chương trình tổng thể và dự thảo các chương trình môn học.
- Tổ chức thực nghiệm dự thảo chương trình, tập trung vào những điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và điều kiện thực hiện chương trình.
Việc triển khai thực nghiệm dự thảo chương trình giáo dục phổ thông theo kế hoạch được Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt.
- Tổ chức thẩm định chương trình tổng thể và các chương trình môn học theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT.
- Lấy ý kiến góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông sau thẩm định.
- Tiếp tục thẩm định, hoàn thiện dự thảo chương trình sau thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT ngày 20/11/2024 quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 05/01/2025. Trong đó, quy định đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ được xác định theo các tiêu chí dưới đây:
- Tổng quan nghiên cứu trong và ngoài nước: phân tích được những công trình nghiên cứu có liên quan và những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài;
- Tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, có vai trò trong việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đơn vị;
- Tính mới và mức độ không trùng lặp với các công trình nghiên cứu đã và đang thực hiện, các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ thành công;
- Tên, định hướng mục tiêu và nội dung nghiên cứu đảm bảo tính tương thích, khoa học, rõ ràng, khả thi;
- Các sản phẩm dự kiến đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 15/2024/TT-BGDĐT ;
- Hiệu quả và khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài;
- Kinh phí đề xuất đề tài phù hợp với mục tiêu, nội dung, sản phẩm dự kiến.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2024/TT-BGDĐT ngày 28/11/2024 sửa đổi Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài kèm theo Thông 06/2016/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT.Quy trình xử lý hồ sơ đi học nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 14/01/2025. Trong đó, quy định quy trình xử lý hồ sơ đi học nước ngoài như sau:
- Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo các chương trình học bổng ngân sách nhà nước, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả tiếp nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài, thông tin về quy định, chế độ học bổng đến ứng viên, cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên và ra quyết định cử đi học khi có văn bản của cơ quan quản lý trực tiếp đồng ý cử ứng viên đi học nước ngoài;
- Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng do phía nước ngoài đài thọ, Cục Hợp tác quốc tế gửi văn bản thông báo kết quả trúng tuyển đến ứng viên và cơ quan quản lý trực tiếp của ứng viên để giải quyết thủ tục đi học nước ngoài;
- Đối với ứng viên chưa có cơ quan công tác, Cục Hợp tác quốc tế ra quyết định cử đi học nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10/12/2024 sửa đổi Quy định ban hành kèm theo các Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 25/01/2025.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo các Thông tư:
- Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường tiểu học.
- Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
- Thông tư 19/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.