Quy định mới về công tác chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông từ 05/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông kèm theo Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT.
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT (sửa đổi khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT) thì công tác chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện như sau:
- Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá chương trình giáo dục phổ thông, xem xét việc chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông.
- Ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông.
+ Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập Ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông.
+ Thành phần Ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông gồm các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, giảng viên và giáo viên.
+ Ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông có nhiệm vụ chỉnh sửa chương trình tổng thể hoặc chương trình môn học theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT (sửa đổi khoản 2 Điều 1 Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT).
+ Ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm trước Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông được chỉnh sửa; báo cáo Ban chỉ đạo kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến của các tổ chức, cá nhân và ý kiến của Hội đồng thẩm định về nội dung chỉnh sửa; hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được chỉnh sửa.
+ Quy chế hoạt động của Ban chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông do Trưởng Ban chỉ đạo ban hành.
- Quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông
+ Xây dựng dự thảo chương trình tổng thể chỉnh sửa hoặc chương trình môn học chỉnh sửa.
+ Lấy ý kiến góp ý dự thảo chương trình chỉnh sửa.
+ Hoàn thiện dự thảo chương trình chỉnh sửa.
+ Tổ chức thực nghiệm dự thảo chương trình chỉnh sửa nếu là chương trình môn học mới.
+ Tổ chức thẩm định dự thảo chương trình chỉnh sửa, theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT.
+ Hoàn thiện dự thảo chương trình chỉnh sửa sau thẩm định và ban hành chương trình chỉnh sửa.
Còn theo quy định hiện hành thì công tác chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT như sau:
Điều 6. Quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông - Trong quá trình thực hiện, chương trình giáo dục phổ thông có thể được chỉnh sửa. - Quy trình chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông thực hiện như quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, trừ quy định về thực nghiệm chương trình. |
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 14/2017/TT-BGDĐT thì Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông được quy định như sau:
- Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông là tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định chương trình giáo dục phổ thông; chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
- Hội đồng thẩm định bao gồm giáo viên dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên của các cơ sở đào tạo sư phạm, cán bộ nghiên cứu, chuyên gia giáo dục phổ thông, đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng thẩm định phải có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số thành viên là giáo viên dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, số lượng thành viên Hội đồng thẩm định phải là số lẻ, tối thiểu là 07 (bảy) người.
- Cơ cấu Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên.
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định.
- Hội đồng thẩm định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Xem thêm Thông tư 17/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 05/01/2025.