Tải App trên Android

Rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân là gì? Thủ tục thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/11/2024 19:15 PM

Thanh lý rừng trồng là việc xử lý về tài chính, tài sản đối với rừng trồng bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân như thiên tai, dịch sâu, bệnh và sinh vật khác gây hại rừng.

Thủ tục thanh lý rừng trồng

Thủ tục thanh lý rừng trồng (Hình từ internet)

Ngày 25/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 140/2024/NĐ-CP quy định về thanh lý rừng trồng .

Rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân là gì?

Theo Điều 3 Nghị định 140/2024/NĐ-CP, rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân là rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ thông qua chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là dự án); rừng trồng của các chủ rừng là tổ chức nhà nước được đầu tư bằng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật.

Thanh lý rừng trồng là việc xử lý về tài chính, tài sản đối với rừng trồng bị thiệt hại do một trong các nguyên nhân quy định tại Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP.

Thủ tục thanh lý rừng trồng thuộc sở hữu toàn dân

Trường hợp thanh lý rừng trồng xảy ra từ ngày 25/10/2024

Bước 1: Lập biên bản kiểm tra hiện trường

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đợt thiên tai, dịch bệnh, tổ chức có rừng trồng bị thiệt hại do nguyên nhân quy định Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP, có văn bản đề nghị xác nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP gửi cơ quan kiểm lâm cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn cấp huyện được giao (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn cấp huyện);

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan chuyên môn cấp huyện tổ chức kiểm tra hiện trường để xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại rừng trồng.

Thành phần đoàn kiểm tra hiện trường gồm đại diện: cơ quan chuyên môn cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng bị thiệt hại; chủ rừng hoặc chủ đầu tư dự án có rừng bị thiệt hại; cơ quan chuyên môn cấp huyện xác định nguyên nhân (cơ quan phòng chống thiên tai đối với các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP hoặc cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thực vật đối với các nguyên nhân quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 140/2024/NĐ-CP); các cơ quan, đơn vị có liên quan khác (nếu có).

- Kết quả kiểm tra hiện trường được lập thành biên bản theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP.

Bước 2: Tổ chức có rừng trồng đề nghị thanh lý rừng trồng nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 140/2024/NĐ-CP đối với rừng trồng trong giai đoạn đầu tư hoặc khoản 2 Điều 9 Nghị định 140/2024/NĐ-CP đối với rừng trồng sau giai đoạn đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 140/2024/NĐ-CP.

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: cơ quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thành phần hồ sơ và trả lời ngay về tính đầy đủ, hợp lệ của thành phần hồ sơ cho tổ chức trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc;

- Trường hợp nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính: trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định pháp luật, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho tổ chức và nêu rõ lý do;

- Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử: trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của thành phần hồ sơ; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định pháp luật, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức và nêu rõ lý do.

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 140/2024/NĐ-CP và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP. Trường hợp rừng trồng không đủ điều kiện thanh lý, cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng trả lời bằng văn bản cho tổ chức biết và nêu rõ lý do.

Bước 4: Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng thành lập Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan tiếp nhận hồ sơ; thành viên Hội đồng gồm: đại diện cơ quan quản lý cấp trên của tổ chức có rừng trồng đề nghị thanh lý (nếu có), cơ quan tài chính; chuyên gia, nhà khoa học (nếu có) và đại diện các cơ quan liên quan khác (nếu có). Hội đồng thẩm định hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng thực hiện các nội dung sau:

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng tổ chức xác minh, kiểm tra hiện trường. Thành phần tham gia gồm: đại diện Hội đồng thẩm định; cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp nơi có diện tích rừng đề nghị thanh lý; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có rừng đề nghị thanh lý; tổ chức có rừng trồng đề nghị thanh lý rừng; các cơ quan liên quan khác (nếu có). Kết quả xác minh, kiểm tra hiện trường được lập thành biên bản theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP;

Tổ chức họp Hội đồng thẩm định: căn cứ chỉ tiêu nghiệm thu sau khi trồng rừng (đối với rừng trồng trong giai đoạn đầu tư) hoặc tiêu chuẩn quốc gia về rừng trồng (đối với rừng trồng sau giai đoạn đầu tư), Hội đồng thẩm định họp, xem xét hồ sơ và các nội dung trong phương án thanh lý rừng trồng. Trước khi họp Hội đồng, các thành viên Hội đồng gửi ý kiến bằng văn bản có xác nhận của đơn vị nơi thành viên Hội đồng công tác. Kết quả họp Hội đồng được lập thành biên bản theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP.

- Sau khi nhận được biên bản họp của Hội đồng thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập báo cáo kết quả thẩm định thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý rừng trồng. Hồ sơ trình gồm:

Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 140/2024/NĐ-CP đối với rừng trồng trong giai đoạn đầu tư hoặc khoản 2 Điều 9 Nghị định 140/2024/NĐ-CP đối với rừng trồng sau giai đoạn đầu tư;

Biên bản xác minh, kiểm tra hiện trường, xác định mức độ thiệt hại rừng theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP (trong trường hợp Hội đồng thẩm định có tổ chức xác minh, kiểm tra hiện trường);

Biên bản họp Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP;

Báo cáo kết quả thẩm định thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP;

Dự thảo quyết định thanh lý rừng trồng theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 140/2024/NĐ-CP.

Trường hợp thanh lý rừng trồng xảy ra trước ngày 25/10/2024

- Hồ sơ thanh lý rừng trồng đã lập, gồm: Tờ trình đề nghị thanh lý rừng trồng không thành rừng; bản sao hồ sơ thiết kế, dự toán trồng rừng; bản sao quyết định phê duyệt dự án; biên bản xác minh hiện trường có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có rừng trồng không thành rừng; Phương án thanh lý rừng trồng.

- Trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng đối với trường hợp này thực hiện theo bước 2, 3, 4 nêu trên.

Nghị định 140/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2024.

Biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh lý rừng trồng

Mẫu số 01

Văn bản đề nghị xác định nguyên nhân thiệt hại rừng trồng

Mẫu số 02

Biên bản kiểm tra hiện trường xác định nguyên nhân, thiệt hại rừng trồng

Mẫu số 03

Văn bản đề nghị thanh lý rừng trồng

Mẫu số 04

Phương án thanh lý rừng trồng

Mẫu số 05

Biên bản xác minh, kiểm tra hiện trường xác định thiệt hại rừng trồng

Mẫu số 06

Biên bản họp Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng

Mẫu số 07

Báo cáo kết quả thẩm định thanh lý rừng trồng

Mẫu số 08

Quyết định thanh lý rừng trồng

 

Dư Thị Quỳnh Như

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 744

Bài viết về

lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]