Theo đó, một số quy định mới đáng chú ý tại Nghị định 01/2025/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có thể kể đến như:
- Bổ sung quy định: Bộ Tài chính ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
- Về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: Định kỳ trước ngày 05 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành
(Thay vì phải báo cáo định kỳ vào Thứ 5 hàng tuần như tại Nghị định 107/2018).
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 107/2018, Bộ Công Thương xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong 7 trường hợp.
Trong khi đó, Nghị định 01/2025 bổ sung thêm quy định: Trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định 107/2018 thì thương nhân sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
- Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho thương nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Công Thương nơi thương nhân có kho chứa thóc, gạo phối hợp với cơ quan liên quan của tỉnh/thành phố tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 107/2018.
Nghị định 01/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2025.