Mức chi thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật từ 01/12/2024 (Hình từ Internet)
Ngày 09/10/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72/2024/TT-BTC hướng dẫn kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.
Theo đó, mức chi thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật từ ngày 01/12/2024 sẽ được quy định như sau:
- Chi văn phòng phẩm; in ấn Giấy xác nhận khuyết tật, biểu mẫu; mua sổ, sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý: Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Chi tiền công họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật:
+ Chủ tịch Hội đồng: 100.000 đồng/người/buổi;
+ Thành viên tham dự: 70.000 đồng/người/buổi;
+ Chi nước uống cho người tham dự: Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
- Chi giám định y khoa: Số tiền thanh toán căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định và mức phí giám định y khoa tại Biểu phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa ban hành kèm theo Thông tư 243/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy Giám định y khoa.
Lưu ý: Kinh phí thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP được bố trí trong dự toán chi thường xuyên theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; kinh phí in phôi Giấy xác nhận mức độ khuyết tật được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
(Điều 3 và Điều 4 Thông tư 72/2024/TT-BTC)
Cụ thể tại Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định về xác định mức độ khuyết tật như sau:
(1) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ vào quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP và quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại (2) và (3).
(2) Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Người khuyết tật.
(3) Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
- Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
- Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
(4) Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định này có hiệu lực kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định tại (1).
(5) Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
(6) Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về kinh phí quy định tại (5).