Bộ Y tế ban hành Quyết định 2899/QĐ-BYT năm 2024 phê duyệt Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030”.
Theo đó, nội dung hoạt động của Đề án “Tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2024-2030” sẽ tập trung vào các giải pháp chính dưới đây:
(1) Tăng cường truyền thông, vận động chính sách
- Rà soát, xây dựng và đề xuất bổ sung các chính sách liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ - trẻ em trong hệ thống pháp luật.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông về tầm quan trọng của công tác CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng đối với CNLĐ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm tạo sự đồng thuận và tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người sử dụng lao động trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN, KCX.
- Tổ chức các hoạt động kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ, đại diện các doanh nghiệp, đại diện người lao động nhằm huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng và thực hiện các chính sách CSSKSS cho CNLĐ trong khuôn khổ Đề án.
- Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng vận động chính sách bằng cách giám sát, phản biện xã hội, góp ý cho chính sách, chương trình, kế hoạch hoạt động CSSKSS cho CNLĐ.
- Huy động mọi nguồn lực (nhân lực, tài chính...) và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác CSSKSS cho CNLĐ.
- Huy động các tổ chức xã hội dân sự thực hiện thí điểm các mô hình can thiệp CSSKSS cho CNLĐ tại các KCN, KCX.
- Truyền thông vận động người sử dụng lao động hỗ trợ và tạo điều kiện để CNLĐ được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ CSSKSS.
Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại khu công nghiệp, khu chế xuất (Hình từ internet)
(2) Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ
- Xây dựng chương trình và tài liệu đào tạo về CSSKSS, sức khỏe tình dục cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ tại các KCN, KCX.
- Tổ chức và đa dạng hóa loại hình đào tạo lại và đào tạo mới cho cán bộ y tế, kể cả người làm công tác y tế trong doanh nghiệp và cán bộ công đoàn các cấp tại các KCN, KCX về tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ.
- Xây dựng danh mục trang thiết bị, vật tư phục vụ tổ chức khám sức khỏe định kỳ tại các KCN, KCX.
- Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại các KCN, KCX.
(3) Truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ tại các KCN, KCX
- Hướng dẫn triển khai thực hiện các loại hình cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với CNLĐ về thời gian, địa điểm như: Tổ chức phòng khám lưu động hoạt động phù hợp với điều kiện sinh hoạt, thời gian làm việc của CNLĐ tại địa bàn có KCN, KCX; Tổ chức các đợt tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ, tư vấn tiền hôn nhân trong các ngày hội sức khỏe, tháng công nhân; cung cấp dịch vụ CSSKSS thân thiện đặc thù cho CNLĐ tại các cơ sở y tế địa phương. Nội dung tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cần tập trung vào các chủ đề như: Tư vấn và CSSKSS, sức khỏe tình dục trong đó có tình dục an toàn; tư vấn tiền hôn nhân; kế hoạch hóa gia đình; khám, chữa các bệnh phụ khoa thông thường; sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư đường sinh sản khác; dự phòng vô sinh, hiếm muộn; làm mẹ an toàn...
- Hướng dẫn triển khai kết nối giữa mạng lưới truyền thông công đoàn cơ sở/tổ công nhân tự quản, cơ sở y tế của doanh nghiệp với các cơ sở y tế địa phương nhằm hình thành mạng lưới tư vấn, chuyển tuyến, cung cấp dịch vụ CSSKSS phù hợp với CNLĐ.
(4) Xây dựng mô hình điểm và nhân rộng
- Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các mô hình hiện có tại các KCN, KCX.
- Xây dựng mô hình điểm về tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ tại KCN, KCX (trong hệ thống y tế công lập và xã hội hóa...).