Thực hiện 6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá lĩnh vực ngân hàng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước (Hình từ Internet)
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta, tuy nhiên kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả tích cực, thể hiện sự phục hồi rõ nét, chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Theo Thông báo 445/TB-VPCP ngày 01/10/2024, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao vai trò và đóng góp của các ngân hàng thương mại cổ phần; khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn luôn quan tâm, đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, kinh doanh trái phép, tiêu cực, tham nhũng... Tin tưởng rằng trong thời gian tới các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy tốt vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, tuân thủ các quy định pháp luật, để cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo các mục tiêu đề ra.
Trong thời gian tới, tình hình chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Quán triệt và thực hiện phương châm:
- “6 tăng” gồm: (i) Tăng năng lực của các tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần; (ii) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; (iii) Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; (iv) Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, thị trường tài chính; (v) Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và cương quyết chống tín dụng đen, sở hữu chéo; (vi) Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.
- “6 giảm” gồm: (i) Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; (ii) Giảm chi phí giao dịch, hoạt động; (iii) Giảm thủ tục hành chính; (iv) Giảm phiền hà, sách nhiễu, tư vấn tiêu cực; (v) Giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, “sân sau”; (vi) Giảm nợ xấu.
- “6 tăng tốc, bứt phá” gồm: (i) Tăng tốc, bứt phá về số hóa; (ii) Tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; (iii) Tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng; (iv) Tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; (v) Tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát; (vi) Tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.