Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
30/10/2024 19:21 PM

Bài viết cập nhật thông tin về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng theo quy định pháp luật hiện hành.

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Hình ảnh từ Internet)

1. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Tại Điều 34 Thông tư 14/2023/TT-NHNN quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng như sau:

- Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng do Ban kiểm soát quyết định theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024Thông tư 14/2023/TT-NHNN.

- Nhiệm vụ của bộ phận kiểm toán nội bộ tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

+ Thực hiện kiểm toán nội bộ hằng năm hoặc đột xuất đối với trụ sở chính, chi nhánh và đơn vị phụ thuộc khác của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

+ Xây dựng, rà soát để trình Ban kiểm soát ban hành, sửa đổi, bổ sung chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của thành viên Ban kiểm soát, kiểm toán viên nội bộ theo quy định tại Điều 33 Thông tư 14/2023/TT-NHNN; quy định nội bộ của Ban kiểm soát; kế hoạch kiểm toán nội bộ;

+ Theo dõi, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ban kiểm soát đối với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), các cá nhân, bộ phận;

+ Thực hiện các kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác đối với kiểm toán nội bộ;

+ Lập báo cáo nội bộ về kiểm toán nội bộ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 14/2023/TT-NHNN.

- Quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

+ Được trang bị nguồn lực cần thiết (nhân lực, tài chính, tài sản và các công cụ khác);

+ Được cung cấp các thông tin, tài liệu, hồ sơ cần thiết cho công tác kiểm toán nội bộ, bao gồm cả các văn bản, biên bản họp của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc);

+ Được phỏng vấn các cá nhân về nội dung liên quan đến kiểm toán nội bộ; kiến nghị cấp có thẩm quyền theo quy định nội bộ xử lý đối với hành vi bất hợp tác của cá nhân, bộ phận trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ;

+ Được tham dự các cuộc họp nội bộ theo Điều lệ và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

- Trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ tối thiểu bao gồm:

+ Bảo mật tài liệu, thông tin theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

+ Chịu trách nhiệm trước Ban kiểm soát về việc thực hiện nhiệm vụ được giao;

+ Kiểm toán viên nội bộ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Trưởng kiểm toán nội bộ về nhiệm vụ kiểm toán được giao.

2. Nguyên tắc kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Tại Điều 30 Thông tư 14/2023/TT-NHNN thì nguyên tắc kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng như sau:

* Nguyên tắc độc lập:

- Kiểm toán viên nội bộ, bộ phận kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc, nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận khác;

- Kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự chi phối, can thiệp của các cá nhân, bộ phận khác;

- Kiểm toán viên nội bộ không thực hiện kiểm toán đối với quy định nội bộ về kiểm toán nội bộ, kế hoạch kiểm toán nội bộ do kiểm toán viên nội bộ đó xây dựng; không thực hiện kiểm toán đối với đơn vị, bộ phận mà người đứng đầu đơn vị, bộ phận là người có liên quan của kiểm toán viên nội bộ đó; không thực hiện kiểm toán các hoạt động, bộ phận mà kiểm toán viên nội bộ đó thực hiện, chịu trách nhiệm trong thời hạn 01 năm kể từ khi không thực hiện, chịu trách nhiệm đối với hoạt động, bộ phận đó; không thực hiện kiểm toán tiêu chí xây dựng mức lương, lợi ích khác đối với các chức danh thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ phải tách biệt với kết quả kinh doanh, kết quả hoạt động của các đơn vị, bộ phận khác.

* Nguyên tắc khách quan:

- Các ghi nhận kiểm toán trong báo cáo kiểm toán nội bộ phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được;

- Kiểm toán viên nội bộ phải trung thực khi thực hiện báo cáo, đánh giá trong quá trình kiểm toán nội bộ;

- Kiểm toán viên nội bộ có quyền và nghĩa vụ báo cáo các cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tính khách quan trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ.

* Nguyên tắc chuyên nghiệp:

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng có cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử cho từ 10.000 khách hàng trở lên phải có kiểm toán viên công nghệ thông tin;

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Thông tư 14/2023/TT-NHNN căn cứ vào quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh để lựa chọn có kiểm toán viên công nghệ thông tin hoặc sử dụng kiểm toán viên công nghệ thông tin từ bên ngoài (đi thuê hoặc từ chủ sở hữu);

- Kiểm toán viên nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 32 Thông tư 14/2023/TT-NHNN.

* Kiểm toán nội bộ phải có biện pháp kiểm tra việc đảm bảo các nguyên tắc quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 30 Thông tư 14/2023/TT-NHNN trong quá trình thực hiện kiểm toán nội bộ (bao gồm cả quá trình lập, gửi báo cáo kiểm toán nội bộ). Trưởng kiểm toán nội bộ báo cáo kịp thời cho Ban kiểm soát khi phát hiện các trường hợp vi phạm, nguy cơ vi phạm các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 14/2023/TT-NHNN.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn