Có phải tỉnh, thành nào cũng có ngân hàng nhà nước?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
31/10/2024 11:19 AM

Có phải tỉnh, thành nào cũng có ngân hàng nhà nước? Chi nhánh ngân hàng nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Có phải tỉnh, thành nào cũng có ngân hàng nhà nước?

Có phải tỉnh, thành nào cũng có ngân hàng nhà nước? (Hình từ internet)

1. Có phải tỉnh, thành nào cũng có ngân hàng nhà nước?

Việt Nam chỉ có duy nhất một ngân hàng nhà nước là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong 4 cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, có trụ sở chính tại Thủ Đô Hà Nội.

Ở mỗi, tỉnh thành có thể có một Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hay còn gọi là chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Và hiện nay có 63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Còn tất cả các ngân hàng còn lại đều là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc ngân hàng chính sách. Trong đó, có một số ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Căn cứ pháp lý: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Quyết định 1806/QĐ-NHNN năm 2017, Quyết định 1805/QĐ-NHNN năm 2017, Quyết định 698/QĐ-NHNN năm 2024, Quyết định 699/QĐ-NHNN năm 2024

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của 63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Nhiệm vụ, quyền hạn của 63 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định tại Quyết định 1806/QĐ-NHNN năm 2017, Quyết định 1805/QĐ-NHNN năm 2017, Quyết định 698/QĐ-NHNN năm 2024, Quyết định 699/QĐ-NHNN năm 2024.

Đơn cử như nhiệm vụ, quyền hạn của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM như sau:

Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quản lý trên địa bàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của pháp luật với các nội dung sau:

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thống đốc về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức khác và người dân trên địa bàn.

- Thống kê, thu thập thông tin, nghiên cứu, phân tích tình hình kinh tế, tiền tệ trên địa bàn để tham mưu cho Thống đốc trong điều hành, thực hiện chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; đầu mối tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực liên quan đến tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trong phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công tác thông tin tín dụng.

- Cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và các dịch vụ ngân hàng trung ương khác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước.

- Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng (trừ công tác thanh tra đối với các lĩnh vực này).

- Thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn và cho vay thanh toán đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi được Thống đốc ủy quyền.

- Quản lý nhà nước về tiền tệ, kho quỹ, bảo đảm an toàn về tài sản, tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá bảo quản tại Chi nhánh và khi giao nhận theo quy định.

- Thực hiện quản lý cấp phép đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô theo ủy quyền của Thống đốc.

- Phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi theo thẩm quyền và Quy chế phối hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

- Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, công tác giải quyết xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong phạm vi, lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh.

- Đầu mối thực hiện nhiệm vụ báo cáo, quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đầu mối phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, trả lời chất vấn theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương và Đoàn Đại biểu Quốc hội.

- Đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn.

- Yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn cung cấp thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh. Trong trường hợp cần thiết có quyền đề nghị Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về công tác báo cáo.

- Đề nghị Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh.

- Quản lý việc công bố thông tin về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn; tiếp nhận, xử lý các thông tin do báo chí phản ánh liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn. Những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thống đốc (qua Văn phòng) để xử lý.

- Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, cải cách hành chính, văn hóa công sở.

- Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định.

- Thực hiện công tác quốc phòng, an ninh; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn tài sản tại Trụ sở Chi nhánh và các cơ sở vật chất khác thuộc thẩm quyền quản lý của Chi nhánh.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thống đốc giao.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,384

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]