Năm học 2024-2025: Địa phương phải đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
06/09/2024 16:45 PM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày.

Năm học 2024-2025: Địa phương phải đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày

Năm học 2024-2025: Địa phương phải đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày (Hình từ Internet)

Năm học 2024-2025: Địa phương phải đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày

Bên cạnh kết quả đạt được của ngành giáo dục, còn một số bất cập cần sớm được khắc phục như: đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương; thiếu trường, lớp học ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ trường đạt chuẩn và tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học ở một số nơi còn thấp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn chưa bảo đảm.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025 với phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”, tại Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 04/9/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới. Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; tăng số trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh học sinh nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ nét về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

- Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tuyển dụng giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP; nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phân bổ nguồn lực, thực hiện hiệu quả các tiểu dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giáo dục, đào tạo; bảo đảm định mức kinh phí chi thường xuyên theo quy định để các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.

- Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học bảo đảm đúng quy định.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú.

- Tăng cường triển khai hiệu quả, mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 550

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn