05 chính sách tài chính - tín dụng có hiệu lực từ tháng 9/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
28/08/2024 09:58 AM

Sau đây là tổng hợp nội dung quy định của 05 chính sách tài chính - tín dụng có hiệu lực từ tháng 9/2024.

05 chính sách tài chính - tín dụng có hiệu lực từ tháng 9/2024

05 chính sách tài chính - tín dụng có hiệu lực từ tháng 9/2024

1. Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó có quy định về đối tượng, mức vay, phương thức vay,…Cụ thể như sau:

* Đối tượng và điều kiện vay vốn:

- Đối tượng vay vốn: Hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (sau đây gọi là khách hàng).

- Điều kiện vay vốn: Khách hàng cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

(Điều 4 Quyết định 10/2024/QĐ-TTg)

* Phương thức cho vay:

Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội.

(Điều 5 Quyết định 10/2024/QĐ-TTg)

* Mức vốn cho vay

- Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/01 loại công trình/khách hàng.

- Khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 02 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình.

(Điều 6 Quyết định 10/2024/QĐ-TTg)

* Thời hạn và lãi suất cho vay

- Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 05 năm (60 tháng).

- Lãi suất cho vay 9,0%/năm.

- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

(Điều 8 và 9 Quyết định 10/2024/QĐ-TTg)

Xem thêm nội dung tại Quyết định 10/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 02/9/2024.

2. Cập nhật quy định về các hành vi bị cấm trong tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Theo đó, khoản 5 Điều 1 Nghị định 93/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 122/2013/NĐ-CP về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Lợi dụng việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được bóc mở, kiểm tra, niêm phong, tạm giữ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

- Tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân thay mặt, chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Xem thêm nội dung tại Nghị định 93/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

3. Quy định về can thiệp thị trường ngoại hối trong nước

Ngày 09/8/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Theo đó, quy định can thiệp thị trường ngoại hối trong nước như sau:

(1) Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường trong nước thông qua các hình thức sau:

(1.1) Mua, bán ngoại tệ với đồng Việt Nam dưới hình thức mua, bán ngoại tệ giao ngay; mua, bán ngoại tệ kỳ hạn; mua, bán quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ hoặc các hình thức mua bán khác do Thống đốc quyết định;

(1.2) Hoán đổi ngoại tệ với đồng Việt Nam;

(1.3) Các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(2) Vụ Chính sách tiền tệ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước:

- Báo cáo Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hình thức can thiệp thị trường trong nước khác được quy định tại điểm (1.3);

- Trình Thống đốc quyết định các hình thức mua bán khác được quy định tại điểm (1.1);

- Đề xuất phương án can thiệp thị trường trong nước báo cáo Trưởng Ban điều hành trình Thống đốc phê duyệt.

(3) Việc bán ngoại tệ cho các dự án đã được Chính phủ bảo lãnh và cam kết chuyển đổi ngoại tệ được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn quy trình chuyển đổi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước cho các dự án được Chính phủ cam kết bảo lãnh và hỗ trợ chuyển đổi ngoại tệ.

(4) Nội dung phương án can thiệp thị trường trong nước bao gồm: Thời gian can thiệp, loại ngoại tệ can thiệp, tỷ giá can thiệp, số lượng ngoại tệ can thiệp, hình thức can thiệp, đối tác thực hiện can thiệp và các nội dung khác có liên quan.

(5) Cơ sở xây dựng phương án can thiệp thị trường trong nước:

- Mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá;

- Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước;

- Các nội dung có liên quan về tình hình thị trường ngoại tệ và/hoặc tình hình thanh khoản đồng Việt Nam;

- Các yếu tố khác (nếu cần thiết).

(6) Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thực hiện phương án can thiệp thị trường trong nước đã được phê duyệt.

Xem thêm nội dung tại Thông tư 43/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 23/9/2024.

4. Bổ sung yêu cầu chung với nhiệm vụ KH&CN (khoa học và công nghệ) cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia

Ngày 09/7/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Thông tư 05/2024/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 17/2015/TT-BKHCN quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia.

Theo đó, Thông tư 05/2024/TT-BKHCN bổ sung thêm yêu cầu chung đối với nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia như sau:

Thời gian tiến hành thủ tục phê duyệt thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương kể từ khi Bộ KH&CN nhận được đề xuất nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đến trước thời điểm ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương không quá 01 (một) năm.

Sau 01 (một) năm mà nhiệm vụ chưa được ký hợp đồng thực hiện thì nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương cần đánh giá lại tính cấp thiết và tính mới của vấn đề KH&CN trước khi tiến hành ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ.

Để đánh giá lại tính cấp thiết và tính mới của nhiệm vụ, Bộ KH&CN có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, nơi phát sinh vấn đề KH&CN cấp thiết địa phương, khẳng định vấn đề KH&CN vẫn còn tính cấp thiết. Sau khi nhận được văn bản khẳng định tính cấp thiết của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đơn vị quản lý chuyên môn của Bộ KH&CN tiến hành xin ý kiến tối thiểu 03 (ba) chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN của chính vấn đề KH&CN cấp thiết được đề xuất.

Trong số chuyên gia được xin ý kiến có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng. Nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương được tiếp tục thực hiện khi ý kiến của các chuyên gia thống nhất đề xuất cần tiếp tục thực hiện tại Phiếu xin ý kiến. Trong trường hợp các chuyên gia có ý kiến không thống nhất, Bộ KH&CN có văn bản thông báo dừng không triển khai nhiệm vụ.

Xem thêm nội dung tại Thông tư 05/2024/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

5. Phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm

Ngày 30/7/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 09/2024/TT-BCT quy định tính toán giá bán điện bình quân.

Theo đó, tại Điều 3 Thông tư 09/2024/TT-BCT đã quy định về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm như sau:

- Giá bán điện bình quân hằng năm được tính toán theo công thức quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

- Chi phí khâu phát điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều hành - quản lý ngành trong giá bán điện bình quân hằng năm được xác định lần lượt theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư 09/2024/TT-BCT.

- Tổng sản lượng điện thương phẩm dự kiến cho năm N do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán tương ứng theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm N.

- Hồ sơ phương án giá bán điện bình quân hằng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 05/2024/QĐ-TTg.

Xem thêm nội dung tại Thông tư 09/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 14/9/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn