Mức tiền công cho giáo viên dạy lái xe làm sát hạch viên cấp GPLX tại TPHCM

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Trọng Tín
14/08/2024 22:15 PM

Bài viết dưới đây cho biết mức tiền công cho sát hạch viên là giáo viên cơ sở đào tạo được Sở Giao thông vận tải trưng dụng làm nhiệm vụ sát hạch cấp giấy phép lái xe tại TPHCM.

Mức tiền công cho giáo viên dạy lái xe làm sát hạch viên cấp GPLX tại TPHCM

Mức tiền công cho giáo viên dạy lái xe làm sát hạch viên cấp GPLX tại TPHCM (Hình từ Internet)

Mức tiền công cho giáo viên dạy lái xe làm sát hạch viên cấp GPLX tại TPHCM

Ngày 16/7/2024, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết 10/2024/NQ-HĐND quy định mức chi tiền công cho sát hạch viên là giáo viên dạy lái xe tại cơ sở đào tạo được Sở Giao thông vận tải trưng dụng làm nhiệm vụ sát hạch cấp giấy phép lái xe trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó:

- Mức chi tiền công cho 1 sát hạch viên/ngày công ngày thường (8 giờ): 300.000 đồng/ngày công.

- Mức chi tiền công cho 1 sát hạch viên/ngày công ngày thứ bảy, chủ nhật (8 giờ): 600.000 đồng/ngày công.

Thành phần, nhiệm vụ tổ sát hạch cấp giấy phép lái xe

Tổ sát hạch do Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành lập và tự giải thể khi kết thúc kỳ sát hạch. Tổ sát hạch chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng sát hạch. Tổ sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2 chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cơ quan quản lý sát hạch.

Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2023/TT-BGTVT), Tổ sát hạch gồm Tổ trưởng và các sát hạch viên

- Tổ trưởng là sát hạch viên và là người của Cơ quan quản lý sát hạch thuộc Sở Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam; khi thực hiện nhiệm vụ tại kỳ sát hạch lái xe ô tô phải có thẻ sát hạch viên lái xe ô tô;

- Sát hạch viên là người của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (trừ thanh tra viên, công chức thanh tra) và giáo viên của cơ sở đào tạo lái xe. Giáo viên của cơ sở đào tạo lái xe phải có thâm niên giảng dạy và đóng bảo hiểm xã hội liên tục tối thiểu 03 năm, không được sát hạch đối với học viên do cơ sở trực tiếp đào tạo.

Nhiệm vụ của tổ sát hạch bao gồm:

- Kiểm tra phương tiện, trang thiết bị chấm điểm, sân sát hạch, phương án bảo đảm an toàn trong quá trình sát hạch;

- Yêu cầu thí sinh chấp hành nội quy sát hạch; không để người không có nhiệm vụ vào phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch và khu vực sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

- Lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm nội quy trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc báo cáo Hội đồng sát hạch;

- Sát hạch, tổng hợp kết quả, đánh giá kỳ sát hạch để báo cáo Hội đồng sát hạch hoặc Cơ quan quản lý sát hạch (đối với sát hạch cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2);

- Sát hạch viên chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả sát hạch. Tổ trưởng Tổ sát hạch chịu trách nhiệm về kết quả chung của kỳ sát hạch.

Tiêu chuẩn sát hạch viên cấp giấy phép lái xe

Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT, Thông tư 05/2023/TT-BGTVT), tiêu chuẩn sát hạch viên cấp giấy phép lái xe bao gồm:

- Có tư cách đạo đức tốt, không trong thời gian bị xử lý kỷ luật;

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên. Đối với sát hạch viên đã có thẻ trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nếu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này, sau 03 năm phải hoàn thiện để đáp ứng;

- Có giấy phép lái xe tương ứng với hạng xe sát hạch ít nhất 03 năm;

- Được tập huấn về nghiệp vụ sát hạch và được Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cấp thẻ sát hạch viên.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,566

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]