Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
19/07/2024 19:45 PM

Bộ Công thương ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định 51/QĐ-BCT ngày 09/01/2024.

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hình từ Internet)

Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài

Kế hoạch của Bộ Công thương thực hiện chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Ban hành kèm theo Quyết định 51/QĐ-BCT ngày 09/01/2024) phân công 10 nhiệm vụ chính bao gồm:

(1) Đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài

- Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài.

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò, cống hiến và đóng góp to lớn của nhân tài; về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực và đơn vị mình.

- Lấy kết quả thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong các nội dung đánh giá đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị.

(2) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài

- Nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Nhà nước về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với nhân tài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Bộ Công Thương, không quá phụ thuộc vào thâm niên, thời gian công tác, bằng cấp, vùng miền, độ tuổi.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Nhà ở; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quốc tịch; Luật Phòng, chống tham nhũng và một số luật khác có liên quan.

- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về thu hút nhân tài, trọng dụng nhân tài; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và các chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong các ngành, lĩnh vực.

- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng nhân tài đối với các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; khoa học xã hội.

(3) Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài

- Khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài.

- Phát huy vai trò và trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Các đơn vị thuộc Bộ chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo, các viện thuộc Bộ để sớm phát hiện tài năng trẻ ngay khi còn là học sinh, sinh viên.

(4) Nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

- Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.

- Nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương. Đầu tư, phát triển mạnh một vài đại học trở thành Trường ĐH trọng điểm quốc gia.

- Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành là người gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của Bộ.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín cao trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và các chuẩn mực của khu vực, quốc tế.

- Tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ sát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên có cơ hội phát huy năng lực, sở trường, cống hiến sau tốt nghiệp.

- Tăng cường năng lực, nguồn lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

(5) Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài

- Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý để thực hiện hiệu quả việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

- Hoàn thiện cơ chế sử dụng, quản lý vị trí việc làm, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất để làm cơ sở bố trí đúng người, đúng việc và trọng dụng được nhân tài.

(6) Tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế về nhân tài

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, kỹ sư, giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên thế giới tham gia sản xuất, làm việc, giảng dạy; chủ trì nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Có chính sách thu hút các tài năng lớn trong các lĩnh vực đến làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

- Chủ động hợp tác và tham gia các Diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài.

- Tổ chức các chương trình mời gọi, thu hút nhân tài Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc và hỗ trợ nhân tài thích ứng, hòa nhập cuộc sống ở Việt Nam.

- Chủ động kết nối mạng lưới nhân tài Việt Nam trên toàn cầu: kết nối các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam trên toàn thế giới; tăng cường giao lưu trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với trí thức trong nước, tạo động lực trở về nước làm việc, cống hiến cho quê hương, đất nước.

(7) Xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp; môi trường sống văn minh, hiện đại

- Tổ chức học tập và thực hiện nghiêm quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa công sở. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, công bằng, dân chủ, thân thiện, nhân văn; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt; phát huy sức mạnh tập thể cùng với năng lực sáng tạo của cá nhân là nhân tài được trọng dụng, sử dụng hiệu quả.

- Tạo lập môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp với trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là đối với nhân tài làm việc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học xã hội.

- Tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; bảo đảm cơ hội phát triển, thăng tiến của nhân tài.

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhân tài ở nước ngoài về nước làm việc, ổn định cuộc sống bản thân và gia đình, thông qua các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, cấp thị thực, cư trú và các thủ tục khác và chế độ đãi ngộ: lương, nhà ở.

(8) Tổ chức thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài

- Lựa chọn nội dung, hình thức và phương pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp để thông tin, tuyên truyền về thu hút, trọng dụng nhân tài. Tổ chức và duy trì chuyên mục thu hút, trọng dụng nhân tài trên các báo, đài, các trang điện tử và trên Cổng Thông tin điện tử, tạp chí điện tử của các cơ quan, tổ chức và địa phương; chú ý nêu gương điển hình thành công về thu hút, trọng dụng nhân tài.

- Thực hiện tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc để khuyến khích nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước, trở về nước làm việc, cống hiến. Chủ động có hình thức tuyên truyền phù hợp tại nước ngoài để mời gọi nhân tài ở nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

- Tổ chức các Chương trình tôn vinh nhân tài Việt Nam hằng năm trong ngành Công Thương; kịp thời khuyến khích sự cống hiến đóng góp của nhân tài thông qua tuyên dương, khen tặng, vinh danh và trao các giải thưởng cao quý. Xuất bản ấn phẩm về Nhân tài Việt Nam và định kỳ tiến hành cập nhật, bổ sung hằng năm.

(9) Khuyến khích tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chính sách nhân tài và xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm chính sách nhân tài

- Ban hành quy định về cơ chế, chính sách và trách nhiệm bảo vệ, trọng dụng nhân tài.

- Khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích trong tiến cử, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; xử lý nghiêm hành vi cản trở, trù dập nhân tài.

(10) Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho thu hút và trọng dụng nhân tài: Bảo đảm nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để phân bổ đủ cho các hoạt động thu hút, trọng dụng nhân tài một cách thực chất thông qua kế hoạch đề xuất và các giải pháp thiết thực, hiệu quả, thu hút, sử dụng nhân tài.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,299

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]