Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân theo đề xuất mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/07/2024 17:37 PM

Bộ Công an đang dự thảo Nghị định (lần 2) quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.

Đề xuất quy định tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân

Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân theo đề xuất mới nhất (Hình từ internet)

Đề xuất quy định tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã đề xuất nhiều quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân, sau đây là đơn cử một số quy định như sau:

* Chức năng của cơ quan thanh tra Công an nhân dân

Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

(Điều 3 dự thảo Nghị định)

* Đối tượng thanh tra

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Công an.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.

(Điều 4 dự thảo Nghị định)

* Nguyên tắc hoạt động thanh tra Công an nhân dân

- Hoạt động thanh tra Công an nhân dân phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Luật Thanh tra 2022.

- Hoạt động thanh tra Công an nhân dân được tiến hành theo Đoàn thanh tra; Trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân và các quy định khác của Bộ Công an, không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022.

(Điều 5 dự thảo Nghị định)

* Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Công an nhân dân

- Cơ quan thanh tra Công an nhân dân gồm:

+ Thanh tra Bộ Công an (sau đây gọi tắt là Thanh tra Bộ);

+ Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (sau đây gọi tắt là Thanh tra Cục);

+ Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Thanh tra Công an tỉnh).

- Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:

Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cơ quan tham mưu giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Cán bộ thanh tra chuyên trách được bố trí tại Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên; cán bộ thanh tra kiêm nhiệm được bố trí tại Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ.

Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

(Điều 7 dự thảo Nghị định)

* Nội dung thanh tra

- Nội dung thanh tra hành chính: Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị định.

- Nội dung thanh tra chuyên ngành: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực sau:

+ Bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh mạng;

+ Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam;

+ Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ và đầu tư; an ninh văn hóa, tư tưởng;

+ Công tác phòng, chống khủng bố; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua, bán người;

+ Công tác quản lý ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý và sử dụng con dấu; quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (trừ phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương theo quy định);

+ Công tác đăng ký, quản lý cư trú và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý căn cước và Cơ sở dữ liệu căn cước;

+ Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Công tác bảo vệ công trình quan trọng về an ninh quốc gia; bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ;

+ Công tác thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng;

+ Công tác tổ chức cơ quan điều tra hình sự; công tác cảnh vệ; hoạt động của Cảnh sát cơ động.

+ Công tác quản lý việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

+ Công tác quản lý đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

+ Lĩnh vực khác do pháp luật chuyên ngành giao Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

(Điều 25 dự thảo Nghị định)

Xem thêm nội dung tại dự thảo Nghị định.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,204

Bài viết về

Công an nhân dân

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]