Cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến hết năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/07/2024 09:45 AM

Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn đến hết năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định 620/QĐ-TTg ngày 10/7/2024.

Cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến hết năm 2025

Cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến hết năm 2025 (Hình từ Internet)

Cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến hết năm 2025

Quyết định 620/QĐ-TTg ngày 10/7/2024 về phê duyệt “Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn đến hết năm 2025” (sau đây gọi là Đề án), trong đó định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn đến hết năm 2025 bao gồm các nội dung sau:

(1) Ngành nghề kinh doanh:

Tiếp tục kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh được quy định tại Quyết định 2129/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 phê duyệt Phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018-2020 theo quy định của pháp luật và những ngành, nghề kinh doanh sau:

- Ngành, nghề kinh doanh chính:

+ Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; dịch vụ Ví điện tử).

+ Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

- Ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính:

+ Truyền hình và cung cấp chương trình thuê bao.

+ Thương mại điện tử, đại lý hàng hóa, bảo hiểm, đại lý xổ số thông qua cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

+ Các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số.

+ Xuất bản các sản phẩm số và phần mềm, chương trình.

(2) Đổi mới quản trị doanh nghiệp

- Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:

+ Hoàn thiện thể chế quản lý;

+ Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành;

+ Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán;

+ Quản lý sử dụng lao động hiệu quả, cải cách cơ chế tiền lương;

+ Phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn Tập đoàn; tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro, công nghệ thông tin và chuyển đổi số;

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phòng chống tham nhũng, lãng phí.

- Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp

+ Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để đề xuất hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng tăng tính chủ động cho VNPT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế trong khung khổ quy định pháp luật.

+ Đón đầu và ứng dụng xu hướng chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành; triển khai thành công công tác chuyển đổi số của VNPT.

+ Từng bước nghiên cứu, áp dụng quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước theo hướng dẫn của OECD và tuân thủ chuẩn mực cao về thực hiện hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.

+ Xây dựng lộ trình và thực hiện áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

+ Tăng cường công tác dự báo, các giải pháp quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế; áp dụng số hóa vào quản trị rủi ro.

+ Tạo môi trường làm việc minh bạch, dân chủ, sáng tạo và phát triển; thay đổi mô hình quản trị nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, tối ưu hóa chi phí đầu tư vào tài sản cố định CAPEX (Capital Expenditure), chi phí hoạt động OPEX (Operating Expenditure), nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, giảm chi phí thông qua thiết lập các bộ phận dùng chung (shared services), các trung tâm xuất sắc (COE) trên địa bàn, trên toàn quốc...

(3) Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý

- Tiếp tục rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy điều hành để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và nâng cao hiệu quả công việc; thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp, lao động tại VNPT phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới.

- Chỉ đạo các đơn vị thành viên cơ cấu lại nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chiến lược phát triển và yêu cầu sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế tiền lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tăng cường phát triển, đào tạo đội ngũ nhân lực, tỷ lệ lao động có đủ năng lực triển khai sản phẩm, dịch vụ số; xây dựng đội ngũ chuyên gia theo tiêu chuẩn quốc tế với nhiều lĩnh vực như hạ tầng số, dịch vụ số, viễn thông, kinh tế/quản lý...triển khai có hiệu quả các công cụ công nghệ số hỗ trợ quản trị nguồn nhân lực.

- Hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành tại công ty mẹ và tại các đơn vị thành viên để có cấu trúc và quy mô phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu công việc, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và Chiến lược phát triển của VNPT.

- Tập trung các đầu mối, giảm trung gian trong việc xử lý, giải quyết công việc cũng như ra quyết định. Phân rõ trách nhiệm của từng bộ phận, tránh chồng chéo trong công việc của các Ban/Văn phòng.

- Đặt mục tiêu hiệu quả trong xử lý, giải quyết công việc lên hàng đầu.

(4) Định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

- Đầu tư phát triển và thúc đẩy có tính trọng điểm việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ mới như 5G, IoT, AI, Big Data, M2M... để làm cơ sở kinh doanh, tăng trưởng doanh thu hạ tầng số, dịch vụ số phù hợp với chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm.

- Tham gia cung cấp môi trường số, kết nối số, tương tác và giao dịch số cho các tổ chức doanh nghiệp; tiếp tục phát triển hợp tác, hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình triển khai chuyển đổi số, chuyển sang kinh doanh trên môi trường số, môi trường ảo.

(5) Kế hoạch sắp xếp Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của VNPT đến hết năm 2025

Công ty mẹ - VNPT và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, gồm:

- Tiếp tục duy trì Công ty mẹ - VNPT là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hạch toán phụ thuộc như sau:

+ Sắp xếp, tổ chức lại Chi nhánh VNPT tại 63 VNPT tỉnh, thành phố theo hướng tinh gọn, kinh doanh có hiệu quả.

+ Tổ chức lại Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ III thành Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực.

- Tiếp tục duy trì Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Công ty mẹ - VNPT.

Danh mục doanh nghiệp do VNPT tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ: Công ty TNHH một thành viên Cáp quang (FOCAL).

Danh mục doanh nghiệp do VNPT tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:

- Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology);

- Công ty cổ phần Dịch vụ số liệu Toàn cầu (GDS);

- Công ty cổ phần Truyền thông Quảng cáo đa phương tiện (SMJ);

- Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (POTMASCO).

Danh mục doanh nghiệp do VNPT tiếp tục nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ: Bao gồm 23 doanh nghiệp.

Danh mục doanh nghiệp VNPT thoái vốn (tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc thoái toàn bộ vốn góp): Bao gồm 26 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp khác có vốn góp của VNPT:

- Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) và Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media): VNPT thực hiện sắp xếp theo đề án riêng (định hướng sáp nhập theo quy định của pháp luật) theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.

(6) Lộ trình thực hiện đến hết năm 2025:

- Tập trung tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để (đến hết năm 2025) giải quyết các vướng mắc, tồn tại (nếu có) của VNPT và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh công tác thoái vốn.

- Các doanh nghiệp thành viên có mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.

- Củng cố, phát triển một số doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh chính của VNPT.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn