Nghỉ hưu sau 01/7/2024 có được điều chỉnh tăng lương hưu 15% không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
11/07/2024 15:15 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về điều chỉnh tăng lương hưu theo quy định mới nhất.

Nghỉ hưu sau 01/7/2024 có được điều chỉnh tăng lương hưu 15% không? (Hình từ internet)

Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Nghỉ hưu sau 01/7/2024 có được điều chỉnh tăng lương hưu 15% không?

Theo đó, Nghị định 75/2024/NĐ-CP nêu rõ, từ ngày 01/7/2024 điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng theo quy định.

Cũng tại thời điểm này, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% theo quy định mà có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: 

- Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; 

- Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Như vậy, theo quy định nêu trên, việc điều chỉnh tăng lương hưu lên 15% áp dụng cho các đối tượng nghỉ hưu trước ngày 01/7/2024.

Đối với nhóm người nghỉ hưu sau ngày 01/7/2024 sẽ không được điều chỉnh tăng lương hưu đợt này. Theo đó, mức hưởng lương hưu của họ có tăng hay không sẽ phụ thuộc vào mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng theo đợt tăng lương từ 01/7/2024 thì mức hưởng lương hưu sau này của họ cũng sẽ tăng.

Hồ sơ hưởng lương hưu

Theo Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định hồ sơ hưởng lương hưu bao gồm:

(1) Đối với NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hưởng chế độ hưu trí;

- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với người nghỉ hưu theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

(2) Đối với NLĐ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 

Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù bao gồm:

- Sổ bảo hiểm xã hội;

- Đơn đề nghị hưởng lương hưu;

- Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

- Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;

- Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về.

09 đối tượng được tăng lương hưu từ 01/7/2024

Nghị định 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/7/2024, bao gồm 09 nhóm đối tượng sau:

(1) Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

(2) Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 33/2023/NĐ-CP, Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CPNghị định 09/1998/NĐ-CP.

(3) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 206-CP năm 1979.

(4) Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 130-CP năm 1975 và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.

(5) Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 38/2010/QĐ-TTg).

(6) Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg.

(7) Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.

(8) Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

(9) Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 01/01/1995.

Các đối tượng (1), (2), (3), (4), (5), (6) và (7) nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/1995 (bao gồm những người đã nghỉ hưởng trợ cấp mất sức lao động trước ngày 01/01/1995, sau đó được tiếp tục hưởng trợ cấp theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTgQuyết định 613/QĐ-TTg năm 2010), sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 3.500.000 đồng/tháng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,992

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]