Tổng cục Thuế yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo và công chức trong quản lý và sử dụng hóa đơn (Hình từ Internet)
Tổng cục Thuế ban hành Công văn 2698/TCT-TCCB ngày 24/6/2024 tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật; xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo và công chức liên quan trong công tác quản lý và sử dụng hóa đơn.
Để tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý và sử dụng hóa đơn; xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi xảy ra vụ việc vi phạm về quản lý và sử dụng hóa đơn thì Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Thuế doanh nghiệp lớn thực hiện các nội dung như sau:
- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật, các quy định, chỉ đạo của ngành trong công tác quản lý và sử dụng hóa đơn; các quy định về quản lý rủi ro, đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý hóa đơn; các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu theo Luật Cán bộ, công chức 2008 và của công chức được phân công quản lý trực tiếp người nộp thuế, công chức được phân công nhiệm vụ quản lý rủi ro của đơn vị trong việc quản lý, giám sát người nộp thuế chấp hành quy định về quản lý và sử dụng hóa đơn.
- Đề cao trách nhiệm người đứng đầu; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc nói chung và trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn nói riêng. Triển khai việc phân công các nhiệm vụ quản lý người nộp thuế đến từng công chức theo nguyên tắc mỗi người nộp thuế chỉ do 01 công chức phụ trách và chịu trách nhiệm chính về nhiệm vụ được phân công.
Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của bộ phận, công chức thực hiện quản lý rủi ro của đơn vị, quy trình, thủ tục phối hợp giữa các bộ phận để kịp thời cảnh báo rủi ro đến các bộ phận trực tiếp quản lý, làm cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các bộ phận, công chức khi xảy ra vụ việc vi phạm.
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, tăng cường rà soát tình hình sử dụng hóa đơn của người nộp thuế theo các quy trình quản lý hóa đơn điện tử, quy trình quản lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, áp dụng quy trình quản lý rủi ro để đánh giá, xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn để kịp thời phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn, triển khai các biện pháp kiểm soát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các vi phạm, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm của người nộp thuế và công chức liên quan (nếu có) theo đúng quy định.
- Chỉ đạo rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các nghiệp vụ phân tích rủi ro, đánh giá, phân loại hồ sơ khai thuế,..., đặc biệt là các nội dung liên quan đến quản lý hóa đơn; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về quản lý và sử dụng hóa đơn để khắc phục các sơ hở, thiếu sót, tồn tại trong quy trình, thủ tục; ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của người nộp thuế.
- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ trực tiếp về chính sách pháp luật thuế, về hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp mới thành lập đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, để người nộp thuế sử dụng hóa đơn đúng quy định, nâng cao tính tự giác tuân thủ và thực hiện đúng chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tổ chức quán triệt đến từng công chức phải thực hiện nghiêm túc công tác quản lý người nộp thuế, nắm bắt sâu sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; thực hiện xác minh rõ địa điểm, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để đánh giá được mức độ rủi ro ngay từ khi đơn vị đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, từ đó giảm thiểu được nguy cơ xảy ra rủi ro về hóa đơn.
- Chỉ đạo lãnh đạo các Phòng/Chi cục/Đội có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công chức tại đơn vị trong thực thi công vụ; thường xuyên đôn đốc, giám sát công chức quản lý người nộp thuế thực hiện đầy đủ, đúng quy định trong công tác quản lý người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn theo các văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, quy trình quản lý thuế, quy trình quản lý hóa đơn, quy trình quản lý rủi ro hóa đơn điện tử hiện hành.
Trường hợp đơn vị, công chức không thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp theo quy định dẫn đến đơn vị có tỷ lệ rủi ro hóa đơn cao, có nhiều vụ việc công chức vi phạm được phát hiện, bị xử lý thì ngoài việc xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định, các đơn vị còn phải có hình thức xử lý phù hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan khi đánh giá xếp loại tập thể, cá nhân, bình xét thi đua, khen thưởng (như hạ mức đánh giá, xếp loại; không xét thi đua khen thưởng,...); xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch đối với các trường hợp công chức được quy hoạch nhưng có khuyết điểm, vi phạm theo quy định; hoặc không xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại,... đối với các trường hợp có khuyết điểm, vi phạm theo quy định; hoặc sắp xếp, bố trí công chức có khuyết điểm, vi phạm sang các bộ phận khác không trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế;...
- Khi xảy ra vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của người nộp thuế (qua công tác điều tra, truy tố, xét xử; thanh tra, kiểm tra, kiểm tra nội bộ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh; thông tin báo chí phản ảnh,... ), phải chỉ đạo bộ phận kiểm tra nội bộ và các bộ phận chuyên môn có liên quan rà soát, làm rõ hành vi, mức độ vi phạm, trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo và công chức có liên quan; trên cơ sở đó triển khai việc kiểm điểm, xử lý nghiêm các cá nhân có vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, nhất là những cá nhân tiếp tay cho người nộp thuế vi phạm,... theo đúng quy định của pháp luật, của ngành và phân cấp quản lý công chức, trong đó cần lưu ý rà soát, đánh giá, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân sau:
+ Trách nhiệm của công chức được phân công trực tiếp quản lý người nộp thuế (công chức bộ phận thanh tra, kiểm tra thuế; bộ phận quản lý thuế xã phường;...); trách nhiệm của công chức được giao nhiệm vụ quản lý rủi ro của đơn vị (nếu vi phạm quy định, không kịp thời cảnh báo rủi ro đến các bộ phận trực tiếp quản lý,...).
+ Trách nhiệm của Lãnh đạo Phòng/Chi cục/Đội phụ trách trực tiếp (trách nhiệm đối với vi phạm trực tiếp; trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm liên đới khi để xảy ra vi phạm trong đơn vị, trong thời gian do mình quản lý, phụ trách trực tiếp; ...). Trường hợp Lãnh đạo Phòng/Chi cục/Đội phụ trách trực tiếp là cấp phó, thì cần xem xét thêm trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm liên đới của cấp trưởng theo đúng quy định tại Điều 8, 9, 10, 18, 19, 20 Luật Cán bộ, công chức 2008; Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP) và các quy định khác liên quan.
+ Tùy theo nội dung, tính chất, mức độ vi phạm của vụ việc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với vi phạm trực tiếp, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm liên đới của cấp trên theo chức trách, nhiệm vụ và theo Luật Cán bộ, công chức 2008; Nghị định 112/2020/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
- Việc xác định hành vi, mức độ vi phạm, quy trình, thủ tục và hình thức xử lý kỷ luật thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP; được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 71/2023/NĐ-CP và các quy định có liên quan.
Xem chi tiết tại Công văn 2698/TCT-TCCB ban hành ngày 24/6/2024.