Đề xuất quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
22/06/2024 13:15 PM

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất xây dựng nội quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông nhằm hướng dẫn cụ thể so với hiện hành.

Đề xuất quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông

Đề xuất quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông (Hình từ Internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học (sẽ thay thế Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT).

Dự thảo Thông tư

Đề xuất quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông

Hiện hành tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT chưa có quy định cụ thể về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông mà chỉ nêu thời gian nghỉ ngày thuộc “Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động 2019”.

Do đó, nhằm hướng dẫn cụ thể hơn quy định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất xây dựng nội quy định về thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông như sau:

- Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè hằng năm mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì giáo viên được bố trí nghỉ thêm một số ngày đảm bảo tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động 2019;

- Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù.

Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù.

(Điểm b khoản 3 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư)

Bên cạnh đó, thời gian nghỉ của giáo viên phổ thông tại Dự thảo Thông tư cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh như sau:

- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;

Điều 3. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo

1. Thời gian nghỉ hè của nhà giáo:

a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

(Hiện hành: “Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);”)

- Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động;

(Hiện hành: “Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;”)

Thời gian hưởng chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Cụ thể tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ thai sản như sau:

(1) Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

(2) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

(3) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại (1); thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

(4) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại (1).

Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

(4) Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại (4) thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại (1).

(6) Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

(7) Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại (1), (3), (4), (5) và (6) tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 276

Bài viết về

Chính sách giáo viên

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn