Đề xuất mới nhất về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/06/2024 19:00 PM

Dưới đây là nội dung đề xuất mới nhất về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên.

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên theo đề xuất mới nhất

Đề xuất mới nhất về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên (Hình từ internet)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo (lần 2) Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên theo đề xuất mới nhất

Theo Điều 5 dự thảo Thông tư, đã đề cập về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:

- Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần, trong đó:

+ 37 tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm 35 tuần thực dạy và 02 tuần dự phòng (dành cho việc hoàn thiện các nội dung giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác);

+ 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

+ 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

- Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:

+ 28 tuần dành cho việc giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học;

+ 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học;

+ 02 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

- Thời gian nghỉ của giáo viên gồm:

+ Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục 2019;

+ Thời gian nghỉ thai sản theo quy định.

++ Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè hằng năm mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động thì giáo viên được bố trí nghỉ thêm một số ngày đảm bảo tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động;

++ Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù. Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù;

+ Thời gian nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động;

+ Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ của giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định, đảm bảo khung thời gian năm học.

- Thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.

Như vậy, đề xuất quy định trên đã thay đổi một số mốc thời gian làm việc của giáo viên phổ thông, đồng thời bổ sung thêm đối tượng áp dụng quy định là giáo viên trường dự bị đại học so với quy định hiện hành.

Hiện hành, quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên được quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) như sau:

- Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

+ 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

+ 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

+ 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

+ 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

- Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

+ 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

+ 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

+ 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

+ 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

- Thời gian làm việc của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:

+ 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch năm học;

+ 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học;

+ 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

+ 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

- Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

+ Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

+ Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Lê Nguyễn Anh Hào

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,159

Bài viết về

Chính sách giáo viên

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn