Hướng dẫn ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình từ ngày 01/7/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/06/2024 08:23 AM

Bài viết sau sẽ trình bày những yếu tố cần xem xét khi ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình từ ngày 01/7/2024.

Hướng dẫn ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình từ ngày 01/7/2024

Hướng dẫn ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình từ ngày 01/7/2024 (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 37/2024/TT-BTC ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá tài sản vô hình.

Hướng dẫn ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình từ ngày 01/7/2024

Theo Điều 17 Chuẩn mực về thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá vô hình ban hành kèm Thông tư 37/2024/TT-BTC quy định khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:

- Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): được xác định qua chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.

- Chênh lệch chi phí vận hành: được xác định qua chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại kể từ thời điểm thẩm định giá của tài sản vô hình.

- Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình: được xác định qua mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.

- Tuổi đời kinh tế và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

Hiện hành, theo điểm b mục 10.3 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 thẩm định giá tài sản vô hình ban hành kèm Thông tư 06/2013/TT-BTC quy định khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:

- Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): là chênh lệch giữa chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.

- Chênh lệch chi phí vận hành: là chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại và tuổi đời hiệu quả của tài sản vô hình.

- Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình là mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng.

- Tuổi đời kinh tế còn lại của tài sản vô hình. Ví dụ: Tài sản vô hình cần thẩm định giá có tuổi đời thực tế (trong trường hợp này đồng thời là tuổi đời hiệu quả) là 6 năm và tuổi đời kinh tế còn lại dự kiến là 12 năm. Như vậy, phần giá trị giảm đi do hao mòn và lỗi thời là 33,33% (=6/(12+6) x 100 %=6/18 x 100 %).

Xem thêm Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Thông tư 06/2014/TT-BTC ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 37/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 985

Bài viết về

Thẩm định giá

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]