Tải App trên Android

Cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/07/2024 19:45 PM

Hành vi cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng theo Nghị định 87/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng

Cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng (Hình từ Internet)

Cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng

Thẻ thẩm định viên về giá là chứng nhận chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản hoặc thẩm định giá doanh nghiệp, được cấp cho người đạt yêu cầu tại kỳ thi cấp thẻ thẩm định viên về giá. Đối với thẩm định viên về giá, hành vi giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định pháp luật là một trong các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá theo quy định tại Điều 7 Luật Giá 2023.

Ngày 12/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá. Điều 22 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề thẩm định giá, trong đó việc cho thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng, cụ thể:

(1) Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi không giải trình báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

(2) Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không thực hiện đúng hướng dẫn về thu thập thông tin về tài sản thẩm định giả, thông tin phục vụ cho quá trình thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

- Không thực hiện đúng cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam;

- Không áp dụng đủ các phương pháp thẩm định giá theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

(3) Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi giả mạo, cho thuê, cho mượn, sử dụng thẻ thẩm định viên về giá trái với quy định của Luật Giá 2023 và pháp luật có liên quan mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Mức phạt tiền quy định như trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần các hành vi vi phạm đã nêu thì áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần, trừ mục (3) xử phạt về từng hành vi.

(4) Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 02 tháng đến 03 tháng Thẻ thẩm định viên về giá kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực đổi với hành vi vi phạm quy định tại mục (2);

- Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng Thẻ thẩm định viên về giả kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực đối với hành vi vi phạm quy định tại mục (3) trừ trường hợp giả mạo thẻ thẩm định viên về giá.

(5) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giải trình báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại mục (1).

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá áp dụng theo quy định của Nghị định hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,076

Bài viết về

Thẩm định giá

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]