THÔNG TƯ
BAN HÀNH CHUẨN MỰC
THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÔ HÌNH
Căn
cứ Luật Giá ngày 19 tháng 6 năm 2023;
Căn
cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4
năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Tài chính;
Theo
đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá;
Bộ
trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam
về Thẩm định giá tài sản vô hình.
Điều 1. Ban
hành kèm theo Thông tư này Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá
tài sản vô hình.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 7 năm 2024
2. Thông tư số 06/2014/TT-BTC
của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/01/2014 ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt
Nam số 13 hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thực hiện Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề
nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc;
- Các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các Hội, Đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hội thẩm định giá Việt Nam;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, QLG (400b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Tấn Cận
|
CHUẨN MỰC THẨM ĐỊNH
GIÁ VIỆT NAM
VỀ THẨM ĐỊNH GIÁ
TÀI SẢN VÔ HÌNH
(Kèm theo Thông tư số 37/2024/TT-BTC
ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này quy định và
hướng dẫn về thẩm định giá tài sản vô hình xác định được khi thẩm định giá theo
quy định của pháp luật về giá. Việc thẩm định giá tài sản vô hình không xác định
được thực hiện theo quy định và hướng dẫn tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam
về Thẩm định giá doanh nghiệp.
2. Tài sản vô hình đề cập trong chuẩn mực này là
tài sản vô hình xác định được và thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
a) Có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản
vô hình;
b) Có khả năng tạo thu nhập từ tài sản vô hình;
c) Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được
bằng tiền.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định
giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật
về giá.
2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định
giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá.
3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ
ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam này, các từ
ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tài
sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất nhưng có khả
năng tạo ra các quyền và lợi ích kinh tế, tự biểu hiện thông qua các đặc tính
kinh tế. Tài sản vô hình không bao gồm tiền mặt.
2. Tiền
sử dụng tài sản vô hình là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân sử dụng
tài sản vô hình phải trả cho chủ sở hữu tài sản vô hình để được quyền sử dụng
tài sản đó (ví dụ như tiền sử dụng sáng chế, tiền trả cho nhượng quyền thương mại,
tiền trả cho quyền khai thác khoáng sản).
3. Lợi
ích thuế giảm trừ do khấu hao là phần thuế thu nhập doanh nghiệp được
giảm trừ do tài sản thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố định vô hình.
Trong trường hợp tài sản vô hình cần thẩm định giá được ghi nhận là tài sản cố
định vô hình, phần thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm đi
tương ứng với phần khấu hao của tài sản cố định vô hình. Khi đó, phần thuế thu
nhập được giảm đi do giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp chính là lợi
ích thuế giảm trừ do khấu hao.
4. Tài
sản đóng góp là tài sản được sử dụng cùng với tài sản thẩm định để
tạo ra dòng tiền trong tương lai. Tài sản đóng góp bao gồm tất cả tài sản hiện
tại và tài sản trong tương lai đóng góp vào việc tạo ra dòng tiền trong tương
lai này.
Điều 4. Phân loại tài sản vô hình
Tài sản vô hình bao gồm các loại sau:
1. Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy
định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
2. Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên
được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như
quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản.
3. Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích
kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ
thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu.
4. Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy
định tại khoản 2 Điều 1 của chuẩn mực này.
Điều 5. Ước tính tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình
1. Tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình chịu tác động
của yếu tố pháp luật, kinh tế, công nghệ, chức năng, kinh tế như: quy mô và triển
vọng của thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, mức độ độc đáo, khác
biệt của tài sản vô hình, sự cạnh tranh của các tài sản vô hình tương tự. Tuổi
đời kinh tế có thể là một khoảng thời gian hữu hạn hoặc vô hạn.
2. Khi ước tính tuổi đời kinh tế cần xem xét các yếu
tố sau:
a) Thời gian bảo hộ của pháp luật đối với tài sản
vô hình là quyền sở hữu trí tuệ;
b) Quy định tại các hợp đồng dân sự theo quy định của
pháp luật gắn liền với tài sản vô hình cần thẩm định giá;
c) Quyết định của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm
quyền liên quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;
d) Các yếu tố kinh tế như quy mô và triển vọng của
thị trường sản phẩm, dịch vụ gắn với tài sản vô hình cần thẩm định giá;
đ) Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự ra đời
của các tài sản vô hình tương tự hoặc hiệu quả hơn, dẫn tới sự lỗi thời chức
năng, lỗi thời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá; các yếu tố khoa học
kỹ thuật có liên quan khác;
e) Các kết quả thống kê, phân tích (nếu có) liên
quan đến tài sản vô hình cần thẩm định giá;
g) Các yếu tố khác có liên quan đến việc ước tính
tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình cần thẩm định giá.
Chương II
CÁCH
TIẾP CẬN TỪ THU NHẬP
Điều 6. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ
thu nhập
1. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm các phương pháp:
Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, Phương pháp lợi nhuận vượt trội và
Phương pháp thu nhập tăng thêm.
2. Khi áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận
từ thu nhập, cần cân nhắc thực hiện phân tích độ nhậy để xem xét, phân tích sự
thay đổi của kết quả thẩm định giá khi thay đổi giá trị của một số thông số đối
với từng trường hợp thẩm định giá.
3. Việc áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập trong thẩm
định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định
giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định
tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.
Điều 7. Các dòng thu nhập trong cách tiếp cận từ thu nhập
1. Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của
tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền
và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại.
2. Tài sản vô hình có thể tạo ra các dòng thu nhập
thông qua việc sử dụng tài sản vô hình, sở hữu tài sản vô hình (ví dụ: thông
qua việc thu tiền sử dụng tài sản vô hình) hoặc hạn chế sử dụng tài sản vô
hình.
3. Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, tùy
vào mục đích thẩm định giá, có thể phân tích: dòng thu nhập từ việc sử dụng tài
sản vô hình đối với người sử dụng tài sản vô hình, dòng thu nhập từ việc thu tiền
sử dụng tài sản vô hình đối với người sở hữu tài sản vô hình hoặc cả hai dòng
thu nhập trên.
Điều 8. Tỷ suất chiết khấu
1. Tỷ suất chiết khấu theo phương pháp thu nhập cần
phản ánh được giá trị biến đổi theo thời gian của tiền tệ và các rủi ro liên
quan tới thu nhập trong tương lai từ tài sản vô hình cần thẩm định.
2. Tỷ suất chiết khấu được ước tính thông qua các
thông tin từ thị trường của các tài sản vô hình tương tự, có thể là tỷ suất
sinh lời trung bình của loại tài sản đó trên thị trường.
3. Tỷ suất chiết khấu đối với dòng tiền được tạo ra
bởi tài sản vô hình cần thẩm định giá thường cao hơn chi phí sử dụng vốn bình
quân gia quyền (WACC) (do chứa đựng nhiều rủi ro hơn) và thấp hơn tỷ suất hoàn
vốn nội bộ (IRR). Riêng đối với các tài sản vô hình có giá trị chiếm đa số
trong tổng giá trị của doanh nghiệp đang sử dụng tài sản vô hình đó, có thể cân
nhắc sử dụng (WACC) của doanh nghiệp để làm tỷ suất chiết khấu.
Điều 9. Áp dụng lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao trong
thẩm định giá tài sản vô hình theo cách tiếp cận từ thu nhập
1. Căn cứ vào việc sử dụng kết quả thẩm định giá dự
kiến và phương pháp thẩm định giá được áp dụng, cần cân nhắc đưa giá trị lợi
ích thuế giảm trừ do khấu hao vào giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá
khi áp dụng cách tiếp cận từ thu nhập.
2. Không tính đến lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao
trong các trường hợp sau:
a) Tài sản vô hình cần thẩm định giá không đáp ứng
điều kiện để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình theo quy định của pháp luật;
b) Tài sản vô hình cần thẩm định giá được sử dụng bởi
một doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm và sau thời
điểm thẩm định giá.
3. Lợi ích thuế giảm trừ do khấu hao được ước tính
bằng cách hiện tại hóa giá trị khoản thuế được giảm trừ do khấu hao về hiện tại.
Phần thuế được giảm trừ được ước tính phải phù hợp với cách tính khấu hao tài sản
vô hình cần thẩm định giá do doanh nghiệp sử dụng tài sản đó áp dụng trên cơ sở
quy định của pháp luật.
4. Tỷ suất chiết khấu được sử dụng để tính lợi ích
thuế giảm trừ do khấu hao có thể được cân nhắc xác định trên cơ sở:
a) Tỷ suất chiết khấu phù hợp đối với doanh nghiệp
sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá, ví dụ như WACC;
b) Tỷ suất chiết khấu phù hợp với tài sản vô hình cần
thẩm định giá.
Mục 1. PHƯƠNG PHÁP TIỀN SỬ DỤNG TÀI SẢN VÔ HÌNH
Điều 10. Nội dung phương pháp tiền sử dụng tài sản vô
hình
1. Theo phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình,
giá trị của tài sản vô hình được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng
tiền sử dụng tài sản vô hình mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng
tài sản vô hình.
2. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình đặt ra
giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu tài sản vô hình phải trả tiền để
sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị tài sản vô hình thông qua việc
tính các khoản tiền sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá
nhân đó sở hữu tài sản vô hình.
3. Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình được áp
dụng thông qua việc quy đổi về hiện tại dòng tiền trong tương lai là khoản tiền
sử dụng tài sản vô hình tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).
4. Việc tính toán dòng tiền sử dụng tài sản vô
hình, thuế, chi phí duy trì và các khoản chi phí hỗ trợ khác phải nhất quán. Cụ
thể, nếu tổ chức cá nhân sở hữu tài sản vô hình chịu trách nhiệm trả chi phí
duy trì (ví dụ chi phí quảng cáo hoặc chi phí nghiên cứu duy trì và phát triển),
thì tiền sử dụng tài sản vô hình cũng như dòng tiền trả để được sử dụng tài sản
vô hình cũng cần tính đến các chi phí này. Ngược lại, nếu chi phí duy trì không
bao gồm trong tiền sử dụng tài sản vô hình, thì chi phí này cũng cần được loại
bỏ khỏi dòng tiền trả để sử dụng tài sản vô hình.
Điều 11. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp tiền sử
dụng tài sản vô hình
1. Mức tiền sử dụng tài sản vô hình hoặc tỷ lệ tiền
sử dụng tài sản vô hình được được xác định thông qua:
a) Tỷ lệ tiền sử dụng tài sản vô hình của các tài sản
vô hình so sánh hoặc tương đồng có giao dịch trên thị trường;
b) Việc chia tách lợi nhuận trong một giao dịch giả
định giữa người sẵn sàng nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá
và người sẵn sàng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định
giá trong một giao dịch độc lập, khách quan.
2. Các thông tin giao dịch của các tài sản tương tự
về các quyền được luật pháp bảo hộ, các thông tin trên hợp đồng nhượng quyền sử
dụng tài sản vô hình như tiền sử dụng tài sản vô hình, các chi phí yêu cầu phải
bỏ ra để duy trì (ví dụ như quảng cáo, nâng cấp sản phẩm, kiểm soát chất lượng),
ngày sử dụng, ngày kết thúc hợp đồng nhượng quyền.
3. Các thông tin khác có liên quan đến việc áp dụng
phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình.
Mục 2. PHƯƠNG PHÁP LỢI NHUẬN VƯỢT TRỘI
Điều 12. Nội dung phương pháp lợi nhuận vượt trội
1. Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị
của tài sản vô hình cần thẩm định giá trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi
nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản vô
hình này.
2. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị
tài sản vô hình cần thẩm định giá được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá
trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản vô hình cần
thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong
trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá.
Điều 13. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp lợi nhuận
vượt trội
Một số hoặc tất cả các thông tin sau cần được cân
nhắc trước khi áp dụng phương pháp lợi nhuận vượt trội:
1. Lợi nhuận kỳ vọng, chi phí tiết kiệm được và các
dòng thu nhập trong tương lai tạo ra cho một doanh nghiệp khi sử dụng tài sản
vô hình và không sử dụng tài sản vô hình.
2. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để dự báo thu nhập
trong tương lai.
Mục 3. PHƯƠNG PHÁP THU NHẬP TĂNG THÊM
Điều 14. Nội dung của phương pháp thu nhập tăng thêm
1. Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị
của tài sản vô hình thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là
phát sinh từ đóng góp của tài sản vô hình cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ
lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác.
2. Phương pháp thu nhập tăng thêm được thực hiện
như sau:
a) Bước 1: Xác định những dòng doanh thu kỳ vọng được
tạo ra liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá;
b) Bước 2: Xác định dòng thu nhập ròng sau khi đã
trừ chi phí nguyên vật liệu và lao động, khoản trích khấu hao (nếu có), chi phí
bán hàng và quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác, thuế doanh nghiệp (nếu có);
c) Bước 3: Xác định khoản đóng góp của các tài sản
đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử dụng tài sản vô hình cần
thẩm định giá.
Khoản thu nhập hợp lý cho tài sản đóng góp được
tính thông qua các bước cụ thể sau:
(i) Xác định những tài sản (bao gồm nhưng không giới
hạn trong vốn lưu động) đóng góp vào phần thu nhập có được liên quan tới việc sử
dụng tài sản vô hình cần thẩm định giá (tài sản đóng góp);
(ii) Ước tính giá trị thị trường của các tài sản
đóng góp vào thu nhập của doanh nghiệp. Giá trị thị trường này có thể được xác
định trên cơ sở đánh giá lại giá trị còn lại theo sổ sách kế toán và đối chiếu
với thông tin thị trường. Trong trường hợp hạn chế về thông tin thì có thể cân
nhắc, điều chỉnh theo giá trị ghi sổ kế toán;
(iii) Xác định thu nhập ròng của tài sản đóng góp
trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận hợp lý và giá trị của các tài sản đóng góp, cụ thể
là nhân giá trị của từng tài sản đóng góp với tỷ suất sinh lời hợp lý của tài sản
đó.
d) Bước 4: Xác định phần thu nhập ròng được tạo ra
từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá bằng cách loại trừ khỏi dòng thu nhập
ròng phần tiền sử dụng vốn phân bổ cho các tài sản khác ra (bao gồm khoản đóng
góp của các tài sản đóng góp đã tính tại Bước 3 và khoản tiền dự kiến mua tài sản
cố định mới trong giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai), đồng thời cộng
thêm phần trích khấu hao của tài sản đóng góp là tài sản cố định để có được
dòng tiền ròng tạo ra từ tài sản vô hình cần thẩm định giá;
đ) Bước 5: Xác định giá trị tài sản vô hình cần thẩm
định giá bằng cách sử dụng tỷ suất chiết khấu phù hợp để quy về hiện tại phần
thu nhập ròng được tạo ra từ riêng tài sản vô hình cần thẩm định giá (đã tính tại
Bước 4).
Điều 15. Thông tin cần có để áp dụng phương pháp thu nhập
tăng thêm
Các thông tin sau cần được cân nhắc khi áp dụng
phương pháp thu nhập tăng thêm:
1. Dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra bởi tài sản vô
hình cần thẩm định, bao gồm cả dòng thu nhập và các chi phí gắn liền với tài sản
vô hình cần thẩm định.
2. Chi phí sử dụng các tài sản phụ trợ cần thiết và
gắn liền với việc sử dụng hiệu quả tài sản vô hình cần thẩm định.
3. Tỷ suất chiết khấu phù hợp để chuyển đổi về giá
trị hiện tại của tài sản vô hình cần thẩm định.
4. Các chi phí hoặc lợi ích liên quan, ví dụ mức
thuế áp dụng với việc sử dụng tài sản vô hình cần thẩm định.
Chương III
CÁCH
TIẾP CẬN TỪ CHI PHÍ
Điều 16. Áp dụng các phương pháp thuộc cách tiếp cận từ
chi phí
1. Cách tiếp cận từ chi phí bao gồm phương pháp chi
phí thay thế và phương pháp chi phí tái tạo.
2. Việc áp dụng cách tiếp cận từ chi phí trong thẩm
định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định tại chuẩn mực thẩm định
giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì thực hiện theo quy định
tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.
Điều 17. Ước tính giá trị hao mòn của tài sản vô hình
Khi ước tính phần giá trị giảm do hao mòn của tài sản
vô hình, cần xem xét một số yếu tố sau:
1. Chênh lệch chi phí nghiên cứu, triển khai (chủ yếu
liên quan tới phương pháp chi phí tái tạo): được xác định qua chênh lệch giữa
chi phí để nghiên cứu và triển khai xây dựng tài sản vô hình tại thời điểm thẩm
định giá so với tại thời điểm tạo ra tài sản vô hình cần thẩm định giá.
2. Chênh lệch chi phí vận hành: được xác định qua
chênh lệch giữa chi phí duy trì và sử dụng tài sản vô hình vào thời điểm thẩm định
giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô hình vào sử dụng. Chi phí này cần
được tính cho suốt tuổi đời kinh tế còn lại kể từ thời điểm thẩm định giá của
tài sản vô hình.
3. Lỗi thời về mặt kinh tế của tài sản vô hình: được
xác định qua mức chênh lệch về hiệu quả kinh tế (thu nhập) từ việc sử dụng tài
sản vô hình tại thời điểm thẩm định giá so với thời điểm bắt đầu đưa tài sản vô
hình vào sử dụng.
4. Tuổi đời kinh tế và tuổi đời hiệu quả của tài sản
vô hình.
Chương IV
CÁCH
TIẾP CẬN TỪ THỊ TRƯỜNG
Điều 18. Áp dụng phương pháp so sánh trong thẩm định giá
tài sản vô hình
1. Phương pháp so sánh trong cách tiếp cận từ thị
trường được áp dụng trong thẩm định giá tài sản vô hình khi đáp ứng được đồng
thời các điều kiện sau:
a) Có thông tin về các giao dịch khách quan, độc lập
của ít nhất 03 tài sản so sánh tại hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không
quá 24 tháng kể từ thời điểm thẩm định giá;
b) Có đủ thông tin để điều chỉnh sự khác biệt về định
lượng giữa tài sản thẩm định giá và tài sản so sánh, từ đó xác định được mức
giá chỉ dẫn;
c) Đáp ứng được các yêu cầu khác (ngoài yêu cầu về
số lượng tài sản so sánh tối thiểu) nêu tại Chuẩn mực thẩm định giá về cách tiếp
cận từ thị trường.
2. Việc áp dụng phương pháp so sánh thuộc cách tiếp
cận từ thị trường để thẩm định giá tài sản vô hình được thực hiện theo quy định
tại chuẩn mực thẩm định giá này. Trường hợp chưa quy định tại chuẩn mực này thì
thực hiện theo quy định tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam khác.
Điều 19. Các yếu tố so sánh cần cân nhắc khi thẩm định
giá tài sản vô hình
1. Các quyền liên quan đến sở hữu tài sản vô hình.
2. Các điều khoản trong hợp đồng (nếu có) hoặc thỏa
thuận liên quan đến việc mua bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng.
3. Lĩnh vực ngành nghề mà tài sản vô hình đang được
sử dụng.
4. Yếu tố địa lý, khu vực ảnh hưởng đến việc sử dụng
tài sản vô hình.
5. Các đặc điểm ảnh hưởng đến tuổi đời kinh tế, tuổi
đời hiệu quả của tài sản vô hình.
6. Các đặc điểm khác của tài sản vô hình./.