Đề xuất xử phạt người vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng lên đến 70 triệu đồng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/06/2024 09:30 AM

Tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng có thể bị phạt lên đến 70 triệu đồng.

Đề xuất xử phạt lên đến 70 triệu đồng đối với người vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đề xuất xử phạt lên đến 70 triệu đồng đối với người vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Hình từ Internet)

Quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Tại Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 đã có những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng:

- Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

- Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

- Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Đề xuất xử phạt người vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng lên đến 70 triệu đồng

Điều 36 Dự thảo Nghị định đề xuất hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả hành vi vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:

(1) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không triển khai các biện pháp kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em;

- Không ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em;

- Không có dấu hiệu cảnh báo đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mạng nội dung không có lợi cho trẻ em.

(2) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Đăng tải, phát tán, chia sẻ, lưu trữ, trao đổi, sử dụng thông tin, hình ảnh, âm thanh co nội dung khiêu dâm, đồi trụy, bạo lực liên quan đến trẻ em;

- Đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm, ảnh hưởng về sức khỏe, sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em.

(3) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng;

- Kích động, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em theo dõi, chia sẻ, phát tán thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em hoặc tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

(4) Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính, viễn thông, thiết lập mạng viễn thông, trang thông tin điện tử tổng hợp, lắp đặt cáp viễn thông trên biển, sử dụng tần số vô tuyến điện, kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, kinh doanh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại mục (1);

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (2);

- Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại mục (2).

(5) Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng theo quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (1);

- Buộc xóa bỏ, cải chính thông tin đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (2);

- Buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số  viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ; Buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (2);

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật theo Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại mục (2).

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị định).

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,431

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]