Mức tham chiếu tính mức đóng bảo hiểm xã hội (Đề xuất)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
30/05/2024 09:45 AM

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có đề xuất quy định về mức tham chiếu tính mức đóng bảo hiểm xã hội.

Đề xuất mức tham chiếu tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội

Đề xuất mức tham chiếu tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội (Hình từ internet)

Đề xuất mức tham chiếu tính mức đóng bảo hiểm xã hội

Cụ thể, tại khoản 12 Điều 4 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có quy định mức tham chiếu như sau:

Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội trong Luật này. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, sau khi bỏ lương cơ sở (dự kiến từ ngày 01/7/2024) thì sẽ có mức tham chiếu tính mức đóng bảo hiểm xã hội trong một số trường hợp.

Đề xuất căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Tại Điều 30 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có đề cập căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như sau:

(1) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

(1.1) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng theo bảng lương do Nhà nước quy định; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

(1.2) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Trường hợp người lao động ngừng việc mà vẫn hưởng tiền lương mà tiền lương bằng hoặc cao hơn mức căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo mức tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.

(1.3) Đối tượng quy định tại các điểm đ, e và k khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật này thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do Chính phủ quy định;

(1.4) Đối tượng quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật này được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

(1.5) Đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật này được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bảo đảm quy định tại điểm (1.6).

Người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn.

(1.6) Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng, trừ trường hợp quy định tại điểm (1.1) và (1.3).

(2) Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 3 của Dự thảo Luật này thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu được áp dụng tại thời điểm đóng.

(3) Chính phủ quy định chi tiết điểm (1.2), (1.3) và việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động.

Xem thêm nội dung tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay

Hiện hành theo Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:

(1) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Người lao động quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương cơ sở.

(2) Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

(3) Trường hợp tiền lương tháng quy định tại khoản (1) và (2) cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,554

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn