Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 02/07/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
20/05/2024 13:00 PM

Xin cho tôi hỏi nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định mới gồm những gì? - Thảo Anh (Bắc Ninh)

Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 02/07/2024 (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau: 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

1. Quy định về tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 02/07/2024

Tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Điều 10a Nghị định 55/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 56/2024/NĐ-CP) như sau: 

- Căn cứ vào yêu cầu công tác pháp chế, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập tổ chức, bộ phận pháp chế chuyên trách hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thành lập tổ chức hoặc bộ phận pháp chế chuyên trách thực hiện theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

- Tổ chức pháp chế, bộ phận pháp chế chuyên trách, viên chức thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế cơ quan chủ quản và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 02/07/2024 

Theo Điều 5a Nghị định 55/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tai Nghị định 56/2024/NĐ-CP) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập như sau: 

Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan tham mưu, giúp Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc góp ý nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập, văn bản, hợp đồng theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Tham mưu, tư vấn những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo sự phân công của Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập cho viên chức, người lao động.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng quản lý, Thủ trưởng đơn vị giao hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau: 

- Xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

- Trực tiếp chỉ đạo công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

- Tổ chức bộ phận pháp chế hoặc bố trí viên chức thực hiện công tác pháp chế, bảo đảm kinh phí, tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

- Báo cáo về công tác pháp chế theo định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp, gửi Bộ Tư pháp.

(Điều 16a Nghị định 55/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 56/2024/NĐ-CP))

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,203

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]