Đề xuất giao Chính phủ quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực (Hình từ internet)
Theo Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới nhất được Bộ Công Thương trình Chính phủ thông qua nội dung đã có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong lĩnh vực điện lực. Nổi bật trong số đó là vấn đề điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Dự thảo Luật Điện lực (Sửa đổi) |
Theo Bộ Công thương, hoạt động điện lực là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Điện lực 2004 và Luật Đầu tư 2020. Hiện nay, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động điện lực, các điều kiện cấp giấy phép thường xuyên phải được rà soát, đánh giá để thực hiện cắt giảm tối đa.
Trong thực tế thi hành, từ thời điểm Luật Điện lực 2004 có hiệu lực đến nay, Chính phủ đã bãi bỏ, cắt giảm 99/163 (khoảng 60%) điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực (tại Nghị định 08/2018/NĐ-CP), bãi bỏ 08 điều kiện và đơn giản hóa 03 điều kiện đối với các lĩnh vực phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ và tư vấn chuyên ngành điện lực (tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP). Trong khi đó, một số nội dung về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 32 Luật Điện lực 2004 không còn phù hợp với thực tiễn và không đảm bảo sự linh hoạt trong việc đánh giá điều kiện hoạt động điện lực để kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Vì vậy, để phù hợp với thực tiễn thi hành và sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực điện lực được linh hoạt, đáp ứng kịp thời với yêu cầu cải cách hành chính, cần thiết phải sửa đổi quy định tại Luật Điện lực 2004 theo hướng giao cho Chính phủ quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực và quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực nhằm nâng cao việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị.
Theo Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), điều kiện cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực sẽ được quy định theo hướng sau:
(1) Điều kiện chung được cấp giấy phép hoạt động điện lực:
- Là tổ chức, cá nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, gồm:
+ Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
+ Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2023;
+ Hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
+ Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Việc cấp giấy phép hoạt động điện lực về phát điện, truyền tải, phân phối điện phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt;
- Có dự án hoặc phương án hoạt động điện lực đối với hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện;
- Có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực;
- Tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.
(2) Giấy phép hoạt động điện lực được sửa đổi, bổ sung
- Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khi có sự thay đổi một trong các nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;
- Trường hợp cần bảo vệ lợi ích kinh tế - xã hội và lợi ích công cộng, cơ quan cấp giấy phép có quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực về truyền tải điện, phân phối điện. Việc sửa đổi hoặc bổ sung đó phải phù hợp với khả năng của đơn vị được cấp giấy phép;
- Trường hợp có sai sót về các nội dung ghi trong giấy phép đã cấp, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm sửa đổi giấy phép đã cấp.
(3) Giấy phép hoạt động điện lực được cấp lại, gia hạn
- Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn bị mất, bị hỏng được cấp lại bản sao theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép;
- Đối với giấy phép hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện còn thời hạn dưới 06 tháng, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có đề nghị thì được cấp lại, gia hạn giấy phép trong trường hợp nội dung giấy phép không có thay đổi so với giấy phép cũ và đáp ứng đủ điều kiện quy định.
(4) Cấp phép đối với hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực
- Điều kiện hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực chỉ áp dụng đối với các hạng mục công trình liên quan trực tiếp đến công trình điện lực (nhà máy điện, công trình đường dây và trạm biến áp), các hạng mục công trình xây dựng khác áp dụng theo quy định pháp luật về xây dựng;
- Phân hạng về quy mô của công trình điện áp dụng trong hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực:
+ Thủy điện, năng lượng tái tạo: Hạng 4 (đến 30Mw), hạng 3 (đến 100Mw), hạng 2 (đến 300Mw), hạng 1 (không giới hạn)
+ Nhiệt điện và năng lượng mới phi tái tạo: Hạng 2 (đến 300Mw), hạng 1 (không giới hạn)
+ Đường dây và trạm biến áp: Hạng 4 (đến 35kV), hạng 3 (đến 110kV), hạng 2 (đến 220kV), hạng 1 (không giới hạn)
(5) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí;
(6) Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với từng lĩnh vực hoạt động điện lực; quy định trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực.
Trương Quang Vĩnh