Cập nhật mới nhất Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/03/2024 12:15 PM

Cho tôi hỏi Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) quy định như thế nào về đối tượng chịu thuế? – Hà Anh (Ninh Bình)

Cập nhật mới nhất Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3)

Cập nhật mới nhất Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Cập nhật mới nhất Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3)

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Theo Bộ Tài chính cho rằng hiện nay đã qua 15 năm triển khai thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi bổ sung 2013) nhằm đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng cải cách thủ tục quản lý thuế đơn giản, rõ ràng, công khai, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế.

Một số điểm mới về đối tượng không chịu thuế theo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3)

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) quy định một số điểm mới về đối tượng không chịu thuế so với Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi bổ sung 2013), như sau:

Khoản 8 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) bổ sung thêm một số loại bảo hiểm không chịu thuế giá trị gia tăng:

+ Bảo hiểm các công trình, thiết bị dầu khí, tàu chứa dầu mang quốc tịch nước ngoài do nhà thầu dầu khí hoặc nhà thầu phụ nước ngoài thuê để hoạt động tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện đã thỏa thuận đặt dưới chế độ khai thác chung.

Một số loại bảo hiểm không chịu thuế giá trị gia tăng theo pháp luật hiện hành:

+ Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; tái bảo hiểm

(khoản 7 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013)

Khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) sửa đổi một số dịch vụ tài chính không chịu thuế giá trị gia tăng:

- Dịch vụ cấp tín dụng

+ Dịch vụ cấp tín dụng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng và các khoản phí tại Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài.

(Điểm a khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) )

Dịch vụ cấp tín dụng không chịu thuế giá trị gia tăng theo pháp luật hiện hành:

+ Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật;

+ Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng

(khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013)

Như vậy, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng vẫn giữ nguyên quy định dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc xác định dịch vụ của các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng hay không chịu thuế giá trị gia tăng sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, thay vì được liệt kê chi tiết trong luật thuế giá trị gia tăng

- Đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán

+ Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

(Điểm c khoản khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3))

Dịch vụ kinh doanh chứng khoán không chịu thuế giá trị gia tăng theo pháp luật hiện hành:

+ Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán

(khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013)

Như vậy, theo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đã thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán trên cơ sở đồng bộ với các dịch vụ kinh doanh chứng khoán được quy định tại Luật chứng khoán 2019. Các hoạt động chứng khoán khác không được nêu cụ thể trong dự thảo luật sửa đổi sẽ không còn thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

- Hoạt động bán nợ

+ Bán nợ bao gồm bán khoản phải trả và khoản phải thu.

(Điểm đ khoản khoản 9 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3))

Hoạt động bán nợ không chịu thuế giá trị gia tăng theo pháp luật hiện hành:

+ Bán nợ

(khoản 8 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013)

Như vậy, theo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đã quy định rõ hoạt động bán nợ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm hoạt động bán nợ và bán khoản phải thu của cơ sở kinh doanh

Khoản 10 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) bổ sung thêm một số dịch vụ y tế không chịu thuế giá trị gia tăng:

+ Dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.

+ Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật.

+ Trường hợp trong gói dịch vụ chữa bệnh (theo quy định của Bộ Y tế) bao gồm cả sử dụng thuốc chữa bệnh thì khoản thu từ tiền thuốc chữa bệnh nằm trong gói dịch vụ chữa bệnh cũng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Dịch vụ y tế không chịu thuế giá trị gia tăng theo pháp luật hiện hành

+ Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật

(khoản 9 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013)

Khoản 26 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) bổ sung thêm một số hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế giá trị gia tăng:

+ Hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ.

Khoản 10,11 Điều 5 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3) bãi bỏ một số hoạt động không chịu thuế giá trị gia tăng:

+ Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích, và internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ.

+ Dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

Xem thêm tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (Dự thảo lần 3)

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,080

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn