Doanh nghiệp kinh doanh bền vững là gì? Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
19/12/2023 13:30 PM

Xin cho tôi hỏi doanh nghiệp kinh doanh bền vững là gì? Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững được quy định thế nào? - Hồng Hạnh

Doanh nghiệp kinh doanh bền vững là gì? Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững

Doanh nghiệp kinh doanh bền vững là gì? Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững (Hình từ internet)

Ngày 12/12/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" kèm theo Quyết định 167/QĐ-TTg năm 2022.

1. Doanh nghiệp kinh doanh bền vững là gì?

Doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp kinh doanh bền vững) là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng không bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 11 Điều 14 Luật Doanh nghiệp và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b Điều 23 Luật Đầu tư; và áp dụng một trong các mô hình kinh doanh bền vững như sau:

- Mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh doanh trong đó các công đoạn xây dựng chiến lược, tầm nhìn doanh nghiệp, hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường theo quy định tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường; và thực hiện một hoặc nhiều biện pháp để đạt được tiêu chí, kinh tế tuần hoàn theo quy định tại Điều 138 Nghị định 08/2022/NĐ-CP;

- Mô hình kinh doanh bao trùm là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, khách hàng, nhà phân phối hay có thể là người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ;

- Mô hình kinh doanh phát triển bền vững theo khung môi trường, xã hội và quản trị (sau đây gọi tắt là Mô hình kinh doanh áp dụng ESG) là mô hình kinh doanh hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo hài hoà các yếu tố bền vững về các mặt kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản trị.

(Điều 2 Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT)                                                                                  

2. Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững

2.1 Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn

Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn bao gồm các nhóm tiêu chí như sau:

- Về định hướng kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp có triết lý về kinh doanh áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong tầm nhìn, sứ mệnh, hoặc có mục tiêu, chiến lược, kế hoạch hoạt động hướng đến kinh tế tuần hoàn.

- Về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong công đoạn sản xuất và tiền sản xuất:

+ Tiêu chí về giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;

+ Tiêu chí về kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;

+ Tiêu chí về hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

- Về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong công đoạn sau bán hàng, bao gồm vận chuyển giao hàng, sử dụng sản phẩm, thu hồi sản phẩm:

+ Tiêu chí về sử dụng năng lượng tái tạo; tái chế, tái sử dụng vật liệu tiêu hao; dịch vụ sửa chữa hoặc bảo trì sản phẩm; thông tin bao bì, nhãn mác sản phẩm;

+ Tiêu chí về tái chế sản phẩm, quản lý thu hồi, thu gom sản phẩm;

+ Tiêu chí về sử dụng hạt vi nhựa hoặc nhựa không tự phân hủy.

2.2 Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bao trùm

Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bao trùm bao gồm các nhóm tiêu chí như sau:

- Về định hướng kinh doanh bao trùm: Doanh nghiệp có triết lý về định hướng kinh doanh bao trùm trong tầm nhìn, sứ mệnh, thông điệp của lãnh đạo doanh nghiệp hoặc có mục tiêu, chiến lược hoạt động, kế hoạch hoạt động có hướng đến kinh doanh bao trùm; hệ thống quản lý và đo lường tác động.

- Về tính khả thi thương mại: Tính khả thi thương mại cấp độ doanh nghiệp; tính khả thi thương mại cấp độ mô hình kinh doanh bao trùm; quản trị tốt; tuân thủ pháp luật lao động, bảo vệ môi trường, tiêu chí phát triển bền vững về khía cạnh xã hội.

- Về tác động xã hội: Tác động xã hội theo chiều rộng; tác động xã hội theo chiều sâu; tính nhân rộng và lan tỏa theo ngành, theo chuỗi, đến cộng đồng địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới.

- Về đổi mới sáng tạo: Đổi mới sáng tạo trong quy trình, mô hình kinh doanh để cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người thu nhập thấp; đổi mới sáng tạo về công nghệ nâng cao hiệu quả kinh tế, tác động xã hội, bảo vệ môi trường; đổi mới sáng tạo vì xã hội, thúc đẩy công bằng và bền vững trong xã hội; đổi mới sáng tạo bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phục vụ tăng trưởng xanh.

2.3 Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh áp dụng ESG

Bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh áp dụng ESG bao gồm các nhóm tiêu chí như sau:

- Về môi trường: Tuân thủ về môi trường, tiêu chuẩn môi trường đối với nhà cung cấp, vật liệu, năng lượng, nước, đa dạng sinh học, khí thải, nước thải và chất thải, sản phẩm có trách nhiệm;

- Về xã hội: Việc làm, quan hệ lao động và quản lý, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, giáo dục và đào tạo, sự đa dạng, cơ hội bình đẳng, tham gia công đoàn và các tổ chức đoàn thể, lao động trẻ em, lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, quyền lợi người lao động, cộng đồng địa phương, tiêu chuẩn xã hội với nhà cung cấp, sức khỏe và an toàn của khách hàng, tiếp thị và nhãn hiệu, bảo mật thông tin khách hàng.

- Về quản trị: Cam kết thực hiện ESG hoặc kinh doanh bền vững, cơ cấu và chức năng của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Ban Giám đốc, quản trị sự tham gia của các bên liên quan, tính công khai và minh bạch, môi trường kiểm soát và quyền cổ đông (chỉ áp dụng với các công ty cổ phần, có niêm yết trên sàn chứng khoán).

(Điều 5, 6 và 7 Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT)

Xem thêm Thông tư 13/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 27/01/2024.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,626

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn