Chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
28/10/2023 14:30 PM

Tôi nghe nói sắp tới sẽ thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, vậy chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là gì? - Nhật Quân (Long An)

Chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở mới nhất

1. Chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là gì?

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được trình lên Quốc hội và sắp được thông qua.

Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được bố trí ở cơ sở; làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. 

Như vậy, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

2. Tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như sau:

Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và có các tiêu chuẩn sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

- Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

- Có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông trở lên. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở trở lên; trường hợp không đủ người thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình tiểu học.

- Đã đăng ký thường trú hoặc có thời hạn tạm trú từ 01 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, pháp luật, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

(Điều 13 Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở)

3. Hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. 

- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức bồi dưỡng, hỗ trợ được quy định như sau: 

+ Khi được cử đi tập trung bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;

+ Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+ Khi làm nhiệm vụ thường trực tại những nơi thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo hoặc tại những đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

+  Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được cơ quan ra quyết định huy động, điều động hoặc cử đi thực hiện nhiệm vụ bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về, được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian làm nhiệm vụ bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân. 

(Điều 23 Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,511

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn