Những điểm mới dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
11/10/2023 15:03 PM

Xin hỏi dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có những nội dung cơ bản và những điểm mới nào nổi bật?

Nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Điểm mới dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (Hình từ internet)

Nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” đang được lấy ý kiến, trong đó, nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo như sau:

(1) Chương I. Quy định chung gồm 07 điều

Nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xét tặng; thời gian xét tặng, công bố danh hiệu và tổ chức trao tặng; quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân được phong tặng; kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng, trong đó:

- Bổ sung một số nội dung tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 và Điều 7 để bảo đảm tường minh trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn, cá nhân làm hồ sơ đề nghị xét tặng và mức chi cho hoạt động của các hội đồng xét tặng, cụ thể:

+ Về đối tượng xét tặng (Điều 2)

Chuyển đối tượng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy theo quy định của chế độ làm việc sang cùng nhóm đối tượng là giáo viên, giảng viên. Lý do: Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cũng tham gia giảng dạy đủ định mức giờ dạy theo quy định, thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường như quy định của Luật Giáo dục.

Tại các hội nghị xin ý kiến về dự thảo Nghị định, nhiều ý kiến của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã đề nghị chuyển nhóm cán bộ quản lý cơ sở sang nhóm giáo viên, giảng viên để đảm bảo sự công bằng và đánh giá đúng những đóng góp của đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.

Nội này cũng phù hợp với quy định xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”: Thầy thuốc trong thời gian làm quản lý y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất dược phẩm, nghiên cứu y dược, phòng chống dịch bệnh vẫn trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật thì thời gian là quản lý đó được tính là thời gian trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật, y tế.

Cán bộ quản lý giáo dục chỉ còn các đối tượng gồm: Công chức, viên chức công tác tại phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên chuyên trách công tác quản lý giáo dục tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành và cơ quan, tổ chức ở trung ương (sau đây gọi chung là các bộ, ban, ngành); công chức, viên chức chuyên trách công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp tại các phòng lao động - thương binh và xã hội, sở lao động - thương binh và xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; cán bộ chuyên trách công đoàn giáo dục; người công tác tại các cơ sở giáo dục trước đây là giáo viên, giảng viên nhưng hiện nay không tham gia giảng dạy.

+ Bổ sung 04 nội dung cần giải thích từ ngữ tại Điều 3 về cán bộ quản tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, bài báo khoa học.

+ Về nguyên tắc xét tặng và cách tính thành tích (Điều 4): Quy định về đối tượng xét tặng là nhà giáo phải bảo đảm định mức giờ chuẩn giảng dạy của giáo viên, giảng viên; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”; các thành tích để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục; cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” tại đơn vị đó; cán bộ quản lý được bổ nhiệm dưới 12 tháng thì không áp dụng tiêu chuẩn thành tích của tập thể; ưu tiên đối với nhà giáo giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trường lớp dành cho người khuyết tật; cá nhân bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng tại đơn vị nào thì xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” tại đơn vị đó.

Việc giải quyết đơn, thư (nếu có) đối với các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” thực hiện theo quy định của pháp luật; đơn vị thường trực hội đồng các cấp có trách nhiệm báo cáo hội đồng kết quả giải quyết đơn, thư (nếu có).

+ Về kinh phí tổ chức xét tặng (Điều 7): Quy định chi tiết hơn các hoạt động và mức chi xét tặng của các cấp hội đồng để các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện.

Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có quy định: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ...”.

Tuy nhiên, quy định này chỉ được thực hiện trên cơ sở các quy định khác về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị được thực hiện đồng bộ.

Tại thời điểm hiện nay, trong thời gian chế độ tiền lương mới chưa được ban hành, đề nghị quy định nội dung chi cho các thành viên dự họp, chi nhận xét, phân loại hồ sơ, tóm tắt thành tích khi xét công nhận nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Quy định này bảo đảm tương đồng về mức chi với các đợt xet tặng danh hiệu vinh dự nhà nước khác (như danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú).

Các chi phí tổ chức xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cần được đầu tư thỏa đáng… Các hội đồng xét tặng họp mang tính khoa học, không giống các cuộc họp thông thường và phải xác minh rất nhiều tiêu chí ở các giai đoạn khác nhau của hồ sơ xét tặng với thành phần đa dạng các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các nội dung chi và mức chi tối đa, đồng thời quy định hội đồng các cấp căn cứ vào nguồn ngân sách để quy định mức chi cho phù hợp với thực tế tại địa phương, đơn vị nhằm tạo điều kiện cho các cấp hội đồng có cơ sở lập dự trù kinh phí khi tổ chức xét tặng.

(2) Chương II. Tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” gồm 02 điều

Nội dung quy định về tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.  

- Về chia các nhóm đối tượng và tài năng sư phạm quy định tại Điều 8 và Điều 9

Nghị định 27/2015/NĐ-CP chia các nhóm đối tượng để xây dựng tiêu chuẩn xét tặng “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” không thống nhất.

Dự thảo Nghị định chia nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành 07 nhóm thống nhất xuyên suốt để xây dựng tiêu chuẩn cho phù hợp, tạo sự mạch lạc trong văn bản cũng như sự tôn vinh của cấp học, bậc học đó và thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện Nghị định.

Trong đó: Viết riêng tiêu chuẩn của giảng viên trường cao đẳng theo hướng giảm tiêu chuẩn về số lượng bài báo, sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, giáo trình… vì giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ ít hơn, yêu cầu về nghiên cứu khoa học thấp hơn và số lượng đề tài cấp tỉnh, bộ được giao ít hơn so với giảng viên đại học.

Xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù: Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Đây là nhóm đối tượng giảng dạy, giáo dục, chăm sóc học sinh có sự đặc thù, vất vả hơn so với các đối tượng học sinh bình thường; đồng thời số lượng được xét phong tặng trong 16 đợt vừa qua rất ít, Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng và tình hình thực tế đề xuất Chính phủ xem xét tiêu chuẩn phù hợp với đối tượng.

- Quy định về thành tích thay thế tại bảng phụ lục được quy đổi và thay thế lẫn nhau trong quá trình xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT nhằm khắc phục những hạn chế của Nghị định 27/2015/NĐ-CP trong quá trình xét tặng.

Đối với tiêu chuẩn chủ biên giáo trình: Bổ sung các thành tích thay thế gồm: Đồng chủ biên 02 giáo trình môn học; chủ biên 01 sách chuyên khảo; tác giả chính 02 sách chuyên khảo, chủ biên tài liệu tập huấn, chủ trì biên soạn chương trình bồi dưỡng đào tạo cán bộ cấp chiến lược, tác giả báo cáo kiến nghị cấp bộ, ngành, báo cáo kiến nghị được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng nhằm tạo điều kiện cho giảng viên có thêm thành tích khi xét tiêu chuẩn này.

Đối với tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ: Hiện nay không phải trường đại học nào, ngành học nào cũng được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nhất là đối với các trường đại học tư thục, trường đại học trực thuộc địa phương.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thay thế thành tích đào tạo tiến sĩ đối với các ngành, trường không được giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: bồi dưỡng học sinh, sinh viên giỏi cấp quốc gia, quốc tế, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp bộ, cấp trường nhằm tạo điều kiện cho các nhà giáo thuộc trường đại học thuộc địa phương có cơ hội tham gia xét tặng.

Đối với tiêu chuẩn bài báo khoa học: Tăng tiêu chuẩn 10 bài báo được đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế (Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định 05 bài báo) và có quy định đồng tác giả các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước; kỷ yếu hội thảo quốc gia, quốc tế có phản biện.

Quy định rõ về sáng kiến để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”: Sáng kiến được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành, tỉnh cho phù hợp với các quy định về điều lệ sáng kiến và Luật Thi đua, khen thưởng (Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định là sáng kiến do cấp trên trực tiếp quản lý công nhận).

Bổ sung sáng kiến do Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong ngành tương đương sáng kiến được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành tỉnh (theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, là đơn vị có nhiều đặc thù trong công tác công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến). Đối với giáo viên mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trung cấp và sơ cấp chủ trì 02 báo cáo chuyên đề tại các cuộc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức được tính thay thế 01 sáng kiến được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong bộ, ban, ngành tỉnh.

Hiện nay các tiêu chuẩn để đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước đều được giảm nhẹ về thành tích sáng kiến so với trước kia, bảo đảm tính kế thừa của Nghị định số 27, dự thảo Nghị định không giảm số lượng về thành tích sáng kiến mà bổ sung thêm các thành tích thay thế sáng kiến đảm bảo vẫn lựa chọn được các nhà giáo có nhiều sáng tạo trong giảng dạy, giáo dục, quản lý và phù hợp với những quy định mới về khen thưởng cấp nhà nước.

Điều chỉnh quy định tập thể do cá nhân quản lý chỉ cần đạt thành tích: 03 năm liền kề năm đề nghị xét tặng tập thể được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc “Đơn vị tiên tiến”, trong đó có 02 năm đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” hoặc các danh hiệu thi đua, khen thưởng từ cấp tỉnh, bộ trở lên (Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định thành tích Tập thể lao động xuất sắc trong 02 năm liền kề).

Tại các hội thảo xin ý kiến, các đại biểu đều đề xuất quy định đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tập thể quản lý chỉ đạo phải đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 02 năm liền kề với năm xét tặng là không hợp lý. Vì tập thể đủ tiêu chuẩn được tặng Cờ thi đua cấp tỉnh, bộ và Cờ thi đua của Chính phủ tiêu biểu hơn Tập thể lao động xuất sắc; do đó cần mở rộng thành tích của tập thể để tránh thiệt thòi cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Mặt khác, tiêu chuẩn 02 năm liền kề đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cũng là một tiêu chuẩn các cán bộ quản lý khó đạt được; vì vậy chỉ quy định trong 03 năm liền kề năm đề nghị xét tặng được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc “Đơn vị tiên tiến”, trong đó có 02 lần đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” hoặc được tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng từ cấp bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên, đồng thời không quy định liền kề.

(3) Chương III. Hội đồng xét tặng gồm 06 điều

Nội dung quy định về tổ chức, nguyên tắc, trách nhiệm các cấp của hội đồng; thành phần, số lượng, nhiệm vụ và thời hạn xử lý hồ sơ của từng cấp hội đồng, trong đó:

- Bổ sung quy định về nguyên tắc, trách nhiệm của các cấp hội đồng (Điều 10) để đánh giá về uy tín, tầm ảnh hưởng, tôn vinh của đồng nghiệp.

- Về tổng số thành viên Hội đồng và thời gian thẩm định hồ sơ (Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 và Điều 15): Bỏ thành phần Chủ tịch Công đoàn giáo dục đối với hội đồng cấp huyện vì theo các quy định hiện hành không còn chức danh này nữa. Quy định rõ số lượng thành viên của từng cấp hội đồng, điều chỉnh quy định thành phần hội đồng các cấp cho phù hợp.

- Bổ sung thêm Hội đồng cấp cục theo đề nghị của Bộ Công an cho phù hợp với cơ cấu quản lý một số cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an.

- Để đảm bảo việc cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ thời gian thẩm định hồ sơ của từng cấp hội đồng.

(4) Chương IV. Hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng gồm 03 điều

Nội dung quy định về hồ sơ, giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm, trình tự, thủ tục xét tặng, trong đó làm rõ yêu cầu của từng loại hồ sơ (Điều 16), về giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm (Điều 17), về trình tự, thủ tục xét tặng tại Hội đồng các cấp (Điều 18).

(5) Chương V. Tổ chức thực hiện gồm 04 điều

Nội dung quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương, đại học quốc gia, các cơ sở giáo dục (Điều 19); quy định về trách nhiệm thi hành (Điều 20); hiệu lực thi hành (Điều 22).

Các quy định nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ sở giáo dục, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định.

Có tiêu chuẩn mới về chủ trì biên soạn báo cáo chuyên đề tại các cuộc sinh hoạt chuyên môn do bộ, ban, ngành, tỉnh, sở tổ chức hoặc chủ trì biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo các chương trình bồi dưỡng cấp sở, ban, ngành tổ chức; quy định về tác giả sáng kiến được công nhận có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng trong bộ, ban, ngành, tỉnh cho phù hợp với các quy định về điều lệ sáng kiến và Luật Thi đua, khen thưởng; do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 01 điều về quy định chuyển tiếp (Điều 21) để cho trường hợp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội giữa hai lần xét tặng liền kề với năm xét tặng còn thiếu tiêu chuẩn này thì được áp dụng các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 27/2015/NĐ-CP.

Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,834

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn