Đã có Quy chế bồi thường nhà nước của cơ quan Thuế do TCT ban hành

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
07/06/2023 08:07 AM

Ngày 25/5/2023, Tổng cục Thuế ban hành Quy chế giải quyết bồi thường nhà nước tại cơ quan Thuế các cấp kèm theo Quyết định 657/QĐ-TCT năm 2023 với nhiều nội dung đáng chú ý như:

Phạm vi trách nhiệm bồi thường nhà nước của cơ quan Thuế

Cơ quan Thuế có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;

- Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật;

- Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật;

- Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật;

- Không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của Luật Tố cáo các biện pháp để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu theo quy định tại Khoản 6 Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin về cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin;

- Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức thuế thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan Thuế.

Đã có Quy chế bồi thường nhà nước của cơ quan Thuế do TCT ban hành

Đã có Quy chế bồi thường nhà nước của cơ quan Thuế do TCT ban hành (Hình từ internet)

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của cơ quan Thuế

(1) Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Cơ quan Thuế có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

- Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của công chức thuế thi hành công vụ gây thiệt hại và có yêu cầu bồi thường tương ứng theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017;

- Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của cơ quan Thuế;

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

(2) Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo đúng quy định của pháp luật, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của công chức thuế gây thiệt hại, bao gồm:

- Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại.

- Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật.

- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của công chức thuế thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo.

- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của công chức thuế thi hành công vụ trên cơ sở kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

- Quyết định xử lý kỷ luật công chức thuế thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật.

- Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của công chức thuế thi hành công vụ.

- Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Thời hiệu yêu cầu bồi thường

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

- Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

+ Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

+ Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu nêu trên.

Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 657/QĐ-TCT năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,035

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn