Quy định về lập kế hoạch kiểm toán tổng quát (Hình từ internet)
Ngày 29/5/2023, Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Theo đó, việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát được quy định quy định tại Điều 9 Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN như sau:
Kế hoạch kiểm toán tổng quát được lập theo mẫu do Kiểm toán nhà nước ban hành, căn cứ trên cơ sở khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, thông tin tài chính và các thông tin khác về đơn vị được kiểm toán. Kế hoạch kiểm toán tổng quát bao gồm các nội dung cơ bản sau:
(1) Mục tiêu kiểm toán:
Mục tiêu của cuộc kiểm toán được xác định căn cứ vào định hướng kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước; yêu cầu và tính chất của cuộc kiểm toán; đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị được kiểm toán (hoặc vấn đề được kiểm toán).
(2) Xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định trọng yếu kiểm toán:
Trên cơ sở thông tin thu thập được và kết quả phân tích, đánh giá thông tin, Kiểm toán viên nhà nước thực hiện xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định trọng yếu kiểm toán. Trình tự, thủ tục xác định, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định trọng yếu kiểm toán thực hiện theo hướng dẫn tại Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước và các hướng dẫn của Kiểm toán nhà nước.
(3) Nội dung kiểm toán:
Nội dung kiểm toán được xác định căn cứ vào hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu, nội dung kiểm toán chủ yếu hàng năm của Kiểm toán nhà nước; yêu cầu mục tiêu và tính chất của cuộc kiểm toán; đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị được kiểm toán (hoặc vấn đề được kiểm toán).
(4) Phương pháp và thủ tục kiểm toán
Phương pháp và thủ tục kiểm toán được xây dựng theo hướng dẫn tại Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước và phải phù hợp với nội dung, mục tiêu của cuộc kiểm toán.
(5) Xác định tiêu chí kiểm toán
Tiêu chí kiểm toán được xác định cho từng cuộc kiểm toán và phù hợp với mục tiêu, nội dung của cuộc kiểm toán.
(6) Phạm vi kiểm toán
- Xác định rõ niên độ kế toán (năm tài chính), thời kỳ trước và sau có liên quan (nếu có) hoặc khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc của chương trình, dự án hoặc khoảng thời gian kiểm toán...
- Xác định các đơn vị được kiểm toán (kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chi tiết); các dự án được kiểm toán chi tiết; tiêu chí lựa chọn đơn vị, dự án được kiểm toán chi tiết (nếu trong kế hoạch kiểm toán năm được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt chưa xác định đơn vị, dự án đầu tư chọn kiểm toán chi tiết).
- Trường hợp quá trình kiểm toán tổng hợp dự kiến có thực hiện chọn mẫu kiểm tra hoặc đối chiếu một số cơ quan, tổ chức liên quan không thuộc các đơn vị được kiểm toán chi tiết thì phải xác định rõ tiêu chí, điều kiện lựa chọn và chỉ được thực hiện theo quy định của Kiểm toán nhà nước.
(7) Giới hạn kiểm toán:
Nêu rõ những lĩnh vực, nội dung, chỉ tiêu không tiến hành kiểm toán hoặc kiểm tra và lý do giới hạn.
(8) Thời hạn kiểm toán:
Thời hạn kiểm toán của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và tuân thủ theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.
(9) Nhân sự kiểm toán:
- Xác định nhân sự của Đoàn kiểm toán: Trưởng đoàn, các Phó Trưởng đoàn (nếu có), các Tổ trưởng (nếu có) và các thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước.
- Bố trí Tổ trưởng, phân công thành viên Đoàn kiểm toán phù hợp với trình độ, năng lực, đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan và phù hợp với Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(10) Kinh phí và các điều kiện cần thiết cho cuộc kiểm toán:
Kế hoạch kiểm toán tổng quát phải xác định kinh phí và các điều kiện cần thiết cho cuộc kiểm toán.
Quyết định 08/2023/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày 13/07/2023 và thay thế cho Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN.
Hồng Vân