Đề xuất bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
10/03/2023 15:50 PM

Tại Dự thảo Nghị định sửa đối với trường hợp tinh giản biên chế thì quy định thế nào? - Tuấn Ngọc (TPHCM)

Đề xuất bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Đề xuất bổ sung trường hợp tinh giản biên chế (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế. Theo đó, bổ sung một số trường hợp tinh giản biên chế như sau:

1. Trường hợp tinh giản biên chế

Theo Tờ trình Dự thảo, tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp đang bị ốm đau, đang mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con dưới 36 tháng để nhằm bảo vệ quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều cá nhân có nguyện vọng tinh giản biên chế vì họ không đủ sức khỏe để làm việc.

Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, nội dung này theo hướng chưa xem xét giải quyết tinh giản biên chế đối với các trường hợp này, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế.

Cụ thể, tại Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định về các trường hợp tinh giản biên chế như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã (cán bộ, công chức, viên chức) thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện cơ chế tự chủ;

+ Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

+ Công chức, viên chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành của pháp luật;

Hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

(Nội dung đề xuất bổ sung)

+ Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

+ Trong thời gian bị kỷ luật thuộc một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý. (Nội dung đề xuất bổ sung)

- Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền luân chuyển giữ các chức vụ chủ chốt tại các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, d, đ khoản 1 Điều 5 Dự thảo Nghị định

- Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp đó.

2. Các chính sách tinh giản biên chế

Các chính tinh giản biên chế được đề xuất tại Dự thảo Nghị định gồm:

- Chính sách về hưu trước tuổi

- Chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước

- Chính sách thôi việc

- Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 06 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền (Nội dung đê xuất bổ sung)

- Chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ khác có phụ cấp chức vụ lãnh đạo

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,161

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]